Trong quá trình thi công con đường từ cổng di tích xuống gành Đá Đĩa, đội thi công phát hiện nhiều vỉa đá hình lục giác, dạng trụ xếp lớp thành dãy, theo mạch dọc, hướng xiên phía tây nam, đối diện với gành Đá Đĩa hiện tại.
Ông Trần Doãn Xuân, Trưởng Ban quản lý Di tích Phú Yên (Sở VH-TT-DL) cho biết, sau khi phát hiện những vỉa đá đồng dạng với di tích danh thắng Gành Đá Đĩa, ban đã báo cáo với Sở VH-TT-DL, UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL xin ý kiến về hướng xử lý mở rộng gành đá. Theo đó, Bộ VH-TT-DL cho phép cào lớp đất trên mặt để lộ các dãy đá theo hướng từ phía đông vào 50m, từ phía nam ra 70m.
Tuy nhiên, khi phát dọn, mở rộng phải giữ lại các thảm thực vật hiện có để tạo không gian xanh với các loại cây bản địa đặc trưng. Với phát hiện này, danh thắng Gành Đá Đĩa sẽ được mở rộng với nhiều vách đá đẹp, tạo thành nhiều dãy đá tập trung, hình thành các điểm dừng chân cho du khách chụp hình, thưởng ngoạn danh thắng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Theo Ban Quản lý di tích Phú Yên, việc mở rộng gành Đá Đĩa theo hướng phát lộ mới sẽ băng qua đường đi xuống gành hiện tại, đến gần bia di tích. Vì vậy đường đi hiện tại sẽ nắn lại tuyến về phía tây xuống thẳng gành đá ở khu vực Lăng Ông. Công việc mở rộng gành Đá Đĩa sẽ tiến hành cùng lúc với việc hoàn thiện con đường đi bộ phía đông và phía tây. Ông Trần Doãn Xuân cho biết thêm, việc cào đất để phát lộ các vỉa đá phải làm thủ công, hết sức cẩn thận; dự kiến công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Gành Đá Đĩa hiện tại có diện tích khoảng 2km2, là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa. Việc phát lộ và mở rộng sẽ làm tăng thêm diện tích và giá trị danh thắng, mở ra khả năng thu hút du khách đến với địa danh cũng như cung cấp tư liệu mới cho các nhà nghiên cứu về quá trình kiến tạo của tự nhiên ở danh thắng quốc gia này nói riêng và chiều sâu văn hóa đá ở Phú Yên.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính sự ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nửa chìm dưới nước nửa nổi trên bờ và tạo nên một gành Đá Đĩa có một không hai của Việt Nam.
Gành Đá Đĩa được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 23/1/1997.
QUỲNH MAI