Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia ngày 23/1/1997. Năm 2014, nơi này được xếp hạng trong top 20 điểm đến được mong đợi nhất của Việt Nam bởi Tổ chức kỷ lục Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị quốc tế của gành Đá Đĩa chưa được nhiều người biết đến.
Vị trí trên bản đồ di sản địa chất toàn cầu
Thuộc nhóm di tích cột đá bazan, loại di sản địa chất quý hiếm, gành Đá Đĩa tương đồng với hai khối đá bazan dạng cột nổi tiếng nhất thế giới là gành đá cổ Giant’s Causeway ở hạt Altrim, Bắc Ailen và vách đá Jusangjeolli (hay gành đá đĩa Chu-sang-chơn-li) ở tỉnh Jeju, Hàn Quốc. Gành đá cổ Giant’s Causeway có tuổi đời lớn nhất với hơn 50 triệu năm, tiếp theo là gành Đá Đĩa của Phú Yên được hình thành hàng triệu năm trước, còn vách đá Jusangjeolli hình thành cùng với đảo Jeju từ các hoạt động núi lửa xảy ra tận thời gian tương đối gần đây, khoảng 140.000- 250.000 năm trước. Nham thạch phun trào do hoạt động của núi lửa gặp phải nước biển đã tạo thành đá bazan dạng cột mà gành Đá Đĩa cũng như gành đá cổ ở Anh và vách đá ở Jeju đều là những di sản hiếm có. Núi lửa được biết đến bởi sức mạnh hủy diệt tuyệt đối của mình, tuy nhiên chính địa chất, địa mạo núi lửa đã tạo nên những kiệt tác đẹp như tranh vẽ sau những đợt phun trào khổng lồ. Các công trình do thiên nhiên tạo khắc này là minh chứng của “vẻ đẹp ngoạn mục tạo ra từ các lực lượng hủy diệt”, đều là biểu tượng của du lịch địa phương và quốc gia mà nó có mặt. Núi lửa là đề tài bí ẩn đối với nhiều người, vì vậy những di sản địa chất như gành Đá Đĩa luôn là tình huống nghiên cứu rất quan trọng cho các nhà địa chất khắp nơi trên thế giới.
Kinh nghiệm về phát triển và bảo tồn di sản địa chất
Gành Đá Đĩa cũng như các di sản địa chất toàn cầu khác có giá trị khoa học thẩm mỹ, giáo dục đặc biệt và có nhiều tiềm năng thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, nhưng thách thức lớn nhất là vấn đề bảo tồn. Di sản địa chất là dạng tài nguyên một khi đã mất đi thì không thể tái tạo, phục hồi được. Việc bảo tồn ngày càng trở nên khó khăn hơn khi những địa điểm, khu vực như gành Đá Đĩa là nơi sinh sống, sản xuất, thậm chí là nơi khai thác của cộng đồng dân cư địa phương.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và giữ gìn các di sản địa chất như gành Đá Đĩa là phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, trong đó có du lịch địa chất hoặc tốt hơn nữa là thành lập các công viên địa chất theo tiêu chí của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN). Công viên địa chất giống với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên truyền thống ở khía cạnh bảo tồn, trong đó đối tượng được bảo tồn chính là các di sản địa chất. Tuy nhiên, công viên địa chất vẫn cho phép các hoạt động kinh tế bền vững như du lịch địa chất và cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn và phát triển. Vì vậy, công viên địa chất là mô hình phát triển kinh tế - xã hội được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lựa chọn, nhằm bảo tồn và phát huy bền vững đồng thời các giá trị địa chất của di sản với các giá trị khác như đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội lịch sử và phát triển kinh tế.
Ví dụ gần nhất có thể tham khảo cho gành Đá Đĩa của Phú Yên là mô hình bảo tồn ở vách đá Jusangjeolli. Là một trong những thắng cảnh hùng vĩ và ngoạn mục nhất ở Jeju, thậm chí Hàn Quốc giá trị của vách đá Jusangjeolli đã được quốc tế công nhận và là một trong 12 công viên địa chất của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đảo Jeju. Việc tham quan vách đá sẽ bị hạn chế những tiếp cận trực tiếp, thay vào đó khách tham quan sẽ được bước chân trên hệ thống thang gỗ cài rất khéo vào các vách đá. Du khách cũng có thể theo các lối nhỏ được thiết kế cạnh lối vào chính tới bãi biển ẩn phía sau để có thể có một góc nhìn yên tĩnh hơn. Mô hình bảo tồn ở vách đá Jusangjeolli được đánh giá là bảo đảm tốt yếu tố địa chất địa mạo đa dạng và đặc trưng địa chất núi lửa độc đáo, duy trì được thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và giá trị khoa học đặc biệt cho thế hệ sau. Việc được UNESCO công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu còn giúp vách đá Jusangjeolli tham gia các chuỗi giá trị điểm đến về du lịch địa chất toàn cầu - phương thức hợp tác quốc tế quan trọng giúp địa phương phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan.
Phát triển gành Đá Đĩa và hội nhập quốc tế
Để thành công trong hội nhập quốc tế, mỗi địa phương luôn có cách lựa chọn tối ưu để phát triển những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn dựa trên tiềm năng riêng có của mình. Theo khảo sát của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2016, Phú Yên nằm trong số không nhiều địa phương của Việt Nam có di sản địa chất, công viên địa chất và gành Đá Đĩa có thể là một khu vực lõi của một công viên địa chất toàn cầu ở tỉnh Phú Yên. Từ đó, Phú Yên có thể gia nhập chuỗi giá trị các điểm đến du lịch địa chất cùng với tỉnh Jeju, Hàn Quốc hay hạt Altrim của Bắc Ailen. Nếu được phát huy hiệu quả giá trị quốc tế thì gành Đá Đĩa sẽ là công cụ đối ngoại quan trọng giúp chuyển tải hình ảnh của Phú Yên tới bạn bè năm châu, giúp ngành Du lịch Phú Yên sớm sánh vai với các nước trong khu vực và tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
NGỌC THỦY