Cách đây ít ngày, nữ du khách người Australia phàn nàn về dịch vụ du lịch kém chất lượng sau khi mua tour tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Câu chuyện sau đó đã lan truyền trên mạng quốc tế, trong cộng đồng những người yêu thích du lịch. Ngay lập tức, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch đã lên tiếng, yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc, xử phạt nghiêm khắc. Đồng thời đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn gửi thư xin lỗi bà Lynne Ryan (du khách Australia) - người vừa trải nghiệm chuyến đi “kinh dị”, và mời bà trở lại Việt Nam với một chuyến du lịch miễn phí.
Thực ra, đây không phải là lần đầu. Trước đó, một số du khách nước ngoài khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam cũng bày tỏ sự không hài lòng vì phải trả giá, phí quá cao cho dịch vụ taxi, ăn uống, ngủ nghỉ, thậm chí còn bị làm phiền bởi những người bán hàng rong chèo kéo… Những hành vi, thái độ ứng xử thiếu văn minh, hành động lừa gạt du khách nước ngoài tuy chỉ là số ít, “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nó đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, du lịch Việt nói riêng.
Qua sự việc tệ hại về chất lượng dịch vụ du lịch được du khách phản ánh, ngay lập tức những người có trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, đồng thời công khai xin lỗi du khách. Có thể thấy, đây là một việc làm hết sức cần thiết và kịp thời của Tổng cục Du lịch khi đã nhìn thẳng vào sự thật, cầu thị khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại của ngành.
Những năm qua, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện với du khách quốc tế. Con số 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, nước ta đón hơn 5,5 triệu lượt khách nước ngoài (tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái) phần nào nói lên rằng du lịch Việt luôn có sức hấp dẫn với nhiều du khách quốc tế. Đó là kết quả nỗ lực của ngành Du lịch và các cấp, ngành, cả xã hội trong việc đổi mới, cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ.
Ngành Du lịch được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năm 2017, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch trên quy mô toàn quốc. Khẩu hiệu tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch như: Nâng cao hình ảnh du khách Việt; du lịch có hiểu biết và có trách nhiệm; Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch…
Ở từng địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng... cũng có bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực. Phú Yên là địa phương phát triển sau về du lịch, đang cố gắng xây dựng thương hiệu hình ảnh “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” với bộ quy tắc quy định những chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh, thân thiện của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân địa phương, du khách khi tham gia vào các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng hình ảnh đã khó, giữ gìn được hình ảnh càng khó hơn. Hình ảnh thương hiệu du lịch Việt là sự kết tinh giữa giá trị danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa truyền thống và những giá trị nhân văn của người Việt; là tài nguyên quý giá mà bất cứ người dân, cán bộ, công chức, những người kinh doanh du lịch phải bảo vệ gìn giữ và phát triển.
QUỲNH MAI