Chủ Nhật, 24/11/2024 00:49 SA
Quần thể Hòn Yến đẹp trong thơ và đời thực
Chủ Nhật, 27/05/2018 08:17 SA

Hòn Yến khi thủy triều xuống, để lộ rạn san hô rất đẹp - Ảnh: TRẦN QUỚI

Một ngày cuối tháng 4, hàng trăm người dân địa phương và du khách đổ về khu vực lăng Ông, Hòn Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An) để xem hội trong lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích danh thắng quốc gia Quần thể Hòn Yến. Niềm vui như được nhân đôi trên từng nét mặt ngư dân rám nắng và thanh niên trai tráng ở làng biển này.

 

Về làng chài nghe hò bá trạo

 

Bớ trạo tử nghe ta dặn đây/ Hôm nay trời thanh gió mát/ Trạo hầu cho đâu đó đàng hoàng/ Để thiên thủ nhập trung/ Thiên thừa tạo lập/ Thượng hạ chỉnh tề... bái lạy xin ơn trên... Đó là một đoạn trong bài hò bá trạo cúng thần Nam Hải trước án tiền cầu mong mưa thuận gió hòa, chuyến biển tôm cá đầy khoang.

 

Theo các nhà nghiên cứu, bá là trăm, trạo là chèo, và từ “bá trạo” dùng để chỉ tất cả những người bạn chèo (cũng có người cho rằng phải viết là “bả trạo”, với nghĩa: bả là nắm chắc). Bá trạo là một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, đánh lưới, những khó khăn khi ngư dân ra khơi..., hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn “Nam Hải thần ngư” về lăng trong những ngày lễ hội qua những câu hát theo làn điệu hò khoan.

 

Trích đoạn hò bá trạo trong lễ đón nhận Bằng di tích danh thắng quốc gia Quần thể Hòn Yến - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Ngoài ý nghĩa tâm linh, ghi công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với cá Ông, hò bá trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước biển cả đầy thách thức và ước vọng cuộc sống an lành, no đủ. Bởi vậy, bao năm nay, hò bá trạo vẫn được duy trì, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển.

 

Thành viên của một đội hát bá trạo gồm Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10-16 trạo tử (luôn là số chẵn để cân đối hai bên mạn thuyền). Đội siêu 4 người mặc trang phục màu vàng, viền đỏ và trùm khăn vàng (xanh); các trạo tử mặc đồ lam, trùm khăn lam và buộc thắt lưng màu lam. Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Cũng có nơi tùy điều kiện trang phục các tổng có thể mặc linh động, nhưng phải khác biệt để phân biệt với đội trạo và đội siêu. Nhạc cụ của hát bá trạo có đàn cò, trống, kèn, sênh.

 

Chị Mai Thảo, một du khách đến làng Yến nhân dịp lễ đón nhận Bằng di tích danh thắng quốc gia Quần thể Hòn Yến, được xem một trích đoạn hò bá trạo, thích thú cho biết: “Nội dung lời hát rất ý nghĩa, gắn liền với đời sống ngư dân, được trình diễn thông qua những điệu hát cổ, đặc trưng và những tiếng trống, nhị, sênh phách tạo nên một không gian rất độc đáo. Tiếc là tôi chưa được chứng kiến toàn bộ nghi thức lễ hội cầu ngư”.

 

Với người dân làng chài, hò bá trạo là loại hình nghệ thuật tâm linh không thể thiếu trong lễ hội cầu ngư hàng năm. Sau phần tế lễ, dịp này luôn có đoàn hát bội về phục vụ. Ông Phạm Văn Bốn, Phó lạch Yến cho biết: Lễ hội cầu ngư năm nay, người dân trong lạch rất phấn khởi, mừng mùa bội thu. Dịp này, ban lạch vận động kinh phí để mời đoàn hát bội về biểu diễn 6 ngày đêm, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân biển. Hơn nữa dịp này, Hòn Yến được tôn vinh là danh thắng quốc gia nên bà con ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Không chỉ mừng vì mùa biển bội thu mà mừng vì từ nay làng Yến trở thành điểm du lịch, nhiều người biết đến, mở ra nhiều cơ hội cho người dân làng chài.

 

Hòn Yến đẹp trong thơ và đời

 

Trong bài thơ Tuy An của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ, người con của quê hương đã miêu tả đặc điểm tự nhiên núi, biển liền kề ở nơi đây thật đẹp: Núi Ông lom khom, núi Bà đội nón/ Hòn Chiên, Hòn Trống chiều sớm ngân nga/ Ôi Tuy An núi với người chen chúc/ Nhộn nhịp sắc màu mảnh đất vang ca/ Những thung vui sớm chiều nghe biển gọi/ Núi khép vòng tay không muốn người đi/ Người cỡi núi thúc chồm ra tận biển/ Hòn Yến đỏ ngời giữa sóng xanh say...

 

Quần thể Hòn Yến là một tổng thể bao gồm các đảo đá nằm gần bờ và một dãy núi đá thấp, trong đó Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật nhất. Hòn Yến nằm cách bờ biển khoảng 400m, có diện tích gần 2ha, độ cao 70m; cách Hòn Yến khoảng 50m về phía bờ là Hòn Đụn, có diện tích khoảng 0,1ha, độ cao khoảng 20m. Phần biển nối giữa đất liền với Hòn Yến và Hòn Đụn tương đối nông, khi thủy triều xuống thấp tạo thành một bãi đá lộ thiên nối liền bờ biển với Hòn Yến, Hòn Đụn. Phía tây bắc Hòn Yến là Hòn Choi, một hòn núi nhỏ chạy dài ôm lấy bờ biển. Hòn Choi cao khoảng 40m, mặt phía biển bị sóng bào mòn tạo thành những vách đá dựng đứng, mặt phía đất liền thoải dần nối với những cồn cát kéo dài về hướng tây.

 

Quần thể Hòn Yến được hình thành bởi quá trình hoạt động kiến tạo địa chất, trong đó đáng kể nhất là hoạt động phun trào núi lửa cách ngày nay khoảng trên dưới 10 triệu năm. Do được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa nên Hòn Yến được cấu tạo bởi các khối đá bazan hình trụ, hình lục giác ghép liền nhau theo hướng thu nhỏ dần, tạo cho Hòn Yến có hình chóp nhọn. Nhô lên từ mé biển Đông/ Một hòn đá dựng, tạo công khéo bày/ Ráng chiều lồng bóng lưng mày/ Rủ rê chim biển về xây lâu đài.

 

Trong kinh nghiệm dân gian, Hòn Yến cùng với núi Chóp Chài, vịnh Vũng Rô là những địa điểm nằm trong hệ thống phong vũ biểu để người dân Phú Yên đoán định những dấu hiệu thay đổi về thời tiết. Lập lòe trời chớp Vũng Rô/ Mây che Hòn Yến, gió vô Chóp Chài.

 

Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển. Trước đây, phần lớn dân cư ở làng Yến sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Chính vì thế, lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa tín ngưỡng nổi bật của cộng đồng cư dân ở làng Yến. Quần thể lăng Ông, miếu Bà và danh thắng Hòn Yến đã tạo nên giá trị tổng hợp về tự nhiên và lịch sử, văn hóa cho Quần thể Hòn Yến. Địa danh Hòn Yến đi vào tiềm thức của đông đảo người dân và được nhắc đến rất nhiều trong thơ ca dân gian. Ngó ra Hòn Yến ba lần/ Thấy anh ở trần trong bụng xót xa/ Em muốn lộn về mua lụa đậu ba/ May áo cổ dứa đem tra nút vàng/ Không ai mà gửi ra chàng/ Để cho chàng mặc kẻo cơ hàn nắng mưa.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Quần thể Hòn Yến chứa đựng những tiềm năng du lịch biển đảo rất lớn gắn với các thắng cảnh như gành Đá Đĩa, cù lao Mái Nhà, vịnh Xuân Đài, Hòn Chùa, Bãi Xép, Bãi Súng, Bãi Môn - mũi Đại Lãnh, Vũng Rô, Hòn Nưa... tạo thành tuyến du lịch ven biển hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Việc Quần thể Hòn Yến được xếp hạng di tích danh thắng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng theo Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật.

 

Bảo vệ vùng di tích danh thắng

 

Vùng biển Hòn Yến có rạn san hô cực kỳ đẹp. Rạn san hô có diện tích khá lớn, khoảng 30,2ha, trải rộng từ Gành Yến ra đến Hòn Yến, với 14 loài chính. Đây chính là đối tượng dễ tổn thương nhất hiện nay ở danh thắng Quần thể Hòn Yến. Theo nhà báo, nhà nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân, rạn san hô ở Hòn Yến rất đẹp, những lúc thủy triều xuống, rạn san hô nửa nổi nửa chìm lấp xấp mặt nước. Thời điểm này thường có rất nhiều du khách, cả những người chụp ảnh lội bộ ra đảo để xem và vô tình dẫm đạp lên san hô. Chưa kể, nhiều người thiếu ý thức còn bẻ cả cành san hô. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái, môi trường và vẻ đẹp của danh thắng này.

 

Vừa qua, Sở VH-TT-DL phối hợp với Công ty CP Việt Asian Nha Trang tổ chức khảo sát và thử nghiệm tour lặn biển ngắm san hô rất thú vị. Ông Nguyễn Huy Hân, Giám đốc Công ty CP Việt Asian Nha Trang cho biết, rạn san hô khu vực Hòn Yến đẹp và phong phú về chủng loại. Vấn đề hiện nay là cần có kế hoạch bảo tồn rạn san hô cả ở trên cạn lẫn vùng sâu, nâng cao giá trị sinh thái, cảnh quan nhằm phát triển du lịch.

 

Để phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia Quần thể Hòn Yến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng yêu cầu UBND huyện Tuy An, đơn vị trực tiếp quản lý danh thắng chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL và các ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trước mắt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như tiến hành cắm mốc, khoanh vùng khu vực bảo vệ I, II và lập quy hoạch chi tiết khu di tích danh thắng. Tăng cường quản lý đất đai, môi trường. Đề xuất phương án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu di tích. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu danh thắng Quần thể Hòn Yến. Tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ giá trị di tích và tầm quan trọng của phát triển du lịch để người dân hưởng ứng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhất là bảo tồn rạn san hô Gành Yến, giữ gìn vệ sinh môi trường...

 

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nói: “Chúng tôi rất vui mừng, vinh dự khi Quần thể Hòn Yến được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia. Sắp tới, địa phương có rất nhiều việc phải làm, mà trước mắt là thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong đó đặc biệt lưu ý đến các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ rạn san hô”.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng 5 về cao nguyên Vân Hòa
Chủ Nhật, 20/05/2018 13:00 CH
Về Lý Sơn xem hội
Chủ Nhật, 20/05/2018 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek