Thời gian qua, ngành Du lịch tiếp tục gặt hái những thành công đáng ghi nhận, từng bước thực hiện mục tiêu mà chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để du lịch Phú Yên phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết:
Đồng chí Phan Đình Phùng |
- Có thể nói thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh nhà đã nỗ lực trên nhiều mặt và tiếp tục có được những thành công đáng ghi nhận. Trong đó, ngành đã tập trung cho các lĩnh vực: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; thu hút đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch... Kết quả, hoạt động kinh doanh du lịch tăng trưởng mạnh về số lượng khách đến, thu nhập thuần túy về du lịch trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 vượt trội so với cùng kỳ. Đây là những kết quả rất đáng mừng.
* Thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc khiến du lịch Phú Yên chưa thể phát triển như tiềm năng và kỳ vọng. Đâu là những hạn chế, thưa đồng chí?
- Chúng ta vui về những thành quả đạt được, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc chưa làm được, để từ đó có giải pháp thực hiện tốt hơn. Thực tế, có thể thấy ngành Du lịch còn những hạn chế lớn. Đó là kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.
Cơ sở hạ tầng giao thông, đường đến các điểm di tích, danh thắng như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến... có quy mô nhỏ, cấp đường thấp, đi lại khó khăn. Nguồn ngân sách chi cho công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực... còn hạn chế.
Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ chưa cao; các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm, điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm vẫn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của khách lưu lại dài ngày.
Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, nhất là thiếu nhân lực chất lượng cao; kỹ năng nghề, giao tiếp, tác phong làm việc của đội ngũ nhân viên du lịch chưa chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ vẫn còn yếu.
Sự phối hợp giữa các ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị kinh doanh du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư về vai trò, nhiệm vụ phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Một số sở, ngành, địa phương chưa chú trọng thực hiện chương trình hành động của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh năm 2017.
* Trong năm 2018, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch của tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào để từng bước khắc phục, tháo gỡ những hạn chế nói trên, thưa đồng chí?
- Trong số những hạn chế đã nêu có những vấn đề do hoàn cảnh, điều kiện khó khăn chung của tỉnh chưa thể khắc phục, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhất là các vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực... Tỉnh ủy đã có chương trình hành động, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, tôi tin những hạn chế, khó khăn này sẽ từng bước được tháo gỡ.
Du khách tổ chức trò chơi ở đồi diều (bãi Xép), nơi có phân cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Trước mắt, từ đây đến cuối năm 2018, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh yêu cầu các sở ngành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là sơ kết 2 năm triển khai Kế hoạch 119/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; phổ biến Luật Du lịch, Nghị quyết 103/NQ-CP, ngày 6/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm đặc trưng của Phú Yên. Xây dựng Chiến lược marketing du lịch Phú Yên đến năm 2020 và định hướng 2030; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”...
* Mới đây, tại buổi gặp mặt, đối thoại do Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh tổ chức, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan để phát triển du lịch. Điều này được ban chỉ đạo ghi nhận và giải quyết như thế nào?
- Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, lãnh đạo tỉnh rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, đề xuất, kể cả ý kiến phản ánh, phê bình những tồn tại hạn chế của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo tiếp thu, tổng hợp và phối hợp với các ngành chức năng liên quan theo thẩm quyền, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc mà các doanh nghiệp đã nêu.
Từ nay đến cuối năm 2018, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư vào tỉnh được triển khai thuận lợi.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch… Chú trọng đầu tư để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng...
Trong tháng 4 này có một sự kiện quy mô cấp tỉnh là Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Phú Yên lần thứ II năm 2018. Tỉnh đã giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương trực tiếp xây dựng kế hoạch, chương trình các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch (có kế hoạch cụ thể tổ chức từng hoạt động). Các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước hỗ trợ và tham gia các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa - Du lịch. Sự kiện này thực sự là cơ hội để quảng bá hình ảnh đẹp về du lịch, đất nước, con người đất Phú với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN QUỚI (thực hiện)