Tại cuộc gặp mặt, đối thoại giữa Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Yên với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến, chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trên tinh thần xây dựng nhằm giúp ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển.
ÔNG VÕ MINH THỨC, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH: Cơ hội lớn để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch Phú Yên những năm gần đây có nhiều khởi sắc trên mọi góc độ, từ lượng khách đến, doanh thu du lịch tăng đến sản phẩm du lịch... Tuy nhiên phải nhìn nhận chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó có hai hạn chế dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu khách đoàn lớn, khách hạng sang. Chúng ta có một bãi biển trải dài gần 200km nhưng hạn chế lớn nhất là thiếu khách sạn gần biển và không có bãi tắm!
Quy hoạch đô thị sau khi tách tỉnh Phú Yên, toàn bộ cơ quan, công sở đều tập trung ở hai con đường ven biển có giá trị du lịch rất đắc địa là đường Độc Lập và đường Lê Duẩn. Xác định du lịch biển là mũi nhọn thì vấn đề này cần phải đưa ra xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo cho tương lai. Mặt khác, quy mô các khu du lịch, khách sạn hiện nay ở Tuy Hòa quá nhỏ, khách sạn Cendeluxe quá xa biển, Sao Việt lại xa trung tâm thành phố. Vậy nên cần có những dự án du lịch ven biển để kích cầu, điều này chúng ta đang thu hút, một số dự án đang triển khai. Thêm nữa, chúng ta có 2 vịnh đẹp có giá trị về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa lịch sử là vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô. Trong đó vịnh Xuân Đài được Chính phủ đồng ý quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia, nhưng hiện đang có một mâu thuẫn lớn chưa thể hài hòa giữa phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô rất đẹp nhưng đang bị ô nhiễm. Ngay cả bãi biển ở Trạm dừng chân ASTOP khách không dám thọc chân xuống biển.
Hiện tại, du lịch Phú Yên đang đứng trước những thuận lợi lớn. Về chủ quan, Tỉnh ủy xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, điều này được đưa vào nghị quyết, chương trình hành động. UBND tỉnh đang thực hiện quyết liệt việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chây ì thiếu quyết tâm. Khi giải quyết được những tồn tại và mâu thuẫn trong phát triển du lịch, cộng với những điều kiện rất thuận lợi cả chủ quan lẫn khách quan, có thể nói ngành Du lịch Phú Yên đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai không xa.
ÔNG NGUYỄN THÀNH TÂM, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH TỈNH: Nâng cấp ngay đường xuống gành Đá Đĩa và phát triển chợ đêm du lịch
Năm 2017, ngành Du lịch Phú Yên tiếp tục đón dòng khách du lịch nội địa mạnh; tổng số lượt khách, doanh thu, công suất phòng khách sạn, cơ sở lưu trú khá ấn tượng. Đây là một tín hiệu rất vui khi Phú Yên vẫn là điểm đến được du khách lựa chọn chứ không chỉ ăn theo trào lưu. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì sản phẩm du lịch và hạ tầng kỹ thuật của chúng ta vẫn là điểm yếu, chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, mua sắm của du khách.
Đó là khẩn trương đầu tư nâng cấp đường xuống gành Đá Đĩa hiện đã quá xuống cấp, đặc biệt là đoạn từ ngã ba với đường nhánh từ cầu An Hải và đường chính đến gành Đá Đĩa. Đoạn đường này xuống cấp nghiêm trọng, xe chạy giằng xốc, du khách rất phàn nàn. Thứ hai là tiếp tục có định hướng phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là các sản phẩm vui chơi, giải trí về đêm, chợ đêm. Hiện tại, TP Tuy Hòa đã bố trí chợ phường 7 kết hợp làm chợ đêm. Tuy nhiên cách hoạt động, cũng như vị trí của chợ đêm này chưa phù hợp với chợ đêm du lịch, bởi hoạt động mua bán ở đây theo hướng kinh doanh chợ đêm thương mại. Tôi đề xuất nên chọn đoạn đường Điện Biên Phủ từ ngã tư Hùng Vương đến ngã tư đường Mậu Thân. Vị trí này rất hợp lý vì ở khu trung tâm các khách sạn. Nếu đoạn đường này trở thành chợ đêm du lịch, sẽ tập hợp các hàng quà vặt hiện nay hoạt động trên đường Hùng Vương về một khu, góp phần tạo mỹ quan đô thị. Thứ ba, đề nghị Sở VH-TT-DL có biện pháp quản lý chặt chẽ về hướng dẫn viên, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên theo Luật Du lịch và hướng dẫn của Tổng cục Du lịch về nội dung này, tránh tình trạng “bát nháo” và những hệ lụy từ hướng dẫn viên chưa đạt chuẩn hoạt động tự phát. Thứ tư, hiện Nhà khách Hội Nông dân (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), với quy mô 120 phòng nghỉ nhưng không khai thác, rất hoang phí trên đất vàng, UBND tỉnh cần có ý kiến về công trình này để khai thác hiệu quả.
ÔNG NGÔ VĂN ĐỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY QUẢNG CÁO TRẺ: Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư còn quá rườm rà
Vấn đề thủ tục hành chính trong đầu tư còn quá rườm rà, qua nhiều sở, nhiều ngành gây khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ tại địa phương. Để có giấy phép đầu tư một dự án nho nhỏ thôi, doanh nghiệp phải tự thân vận động từ việc gom chuyển nhượng từ đất của các hộ dân rồi phải làm phương án đền bù, chuyển đổi, thiết kế cơ sở trình, xin phép qua nhiều sở. Được biết ở các địa phương đều có Trung tâm Phát triển quỹ đất nhưng không thể làm đầu mối để giải quyết thủ tục này giúp doanh nghiệp theo tinh thần một cửa.
Đơn cử như dự án do chính tôi đang triển khai tại làng rau Ngọc Lãng, phía doanh nghiệp rất tích cực nhưng vướng quá nhiều thủ tục hành chính, kéo dài thời gian, chưa hoàn tất thủ tục hành chính thì chưa thể triển khai dự án. Để hoàn thành một dự án được phép triển khai, theo trải nghiệm của tôi phải mất hơn 1 năm ròng, trải qua ít nhất 6 giấy phép ở các sở: KH-ĐT, Xây dựng, TN-MT và chính quyền địa phương... Thời gian cho mỗi giấy phép ít nhất 2 tháng. Nếu phải thuê tư vấn thì chi phí này đội lên không dưới 500 triệu đồng. Đối với các công ty quy mô, nhà đầu tư lớn họ luôn có bộ phận chuyên trách để làm công việc này. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ phải chạy vạy, vừa làm vừa hỏi thăm rất nhiêu khê, tốn kém, nhiều người nản.
Tỉnh luôn nêu cao chủ trương cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, rất mong những vấn đề này được các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương.
BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, CHỦ KHÁCH SẠN NHIỆT ĐỚI: Quan tâm đầu tư các điểm đến tâm linh
Niềm vui lớn đầu năm của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng đó là có nhiều nhà đầu tư đến với Phú Yên, nhiều dự án quy mô lớn có thể thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Ở góc độ vi mô, theo tôi ngành Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, dịch vụ hiện nay cần có sự đầu tư cho chính mình. Đó là quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, xây dựng thương hiệu, uy tín. Xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện. Tết vừa rồi, rất nhiều khách du lịch lưu trú ở các khách sạn phản ánh các tài xế taxi không tính theo đồng hồ mà thỏa thuận theo quãng đường và số người trên xe. Dù khách chấp nhận thanh toán theo phương thức này sau khi kết thúc hành trình nhưng vẫn thấy khó chịu. Điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của đơn vị kinh doanh (có thể công ty không có chủ trương này nhưng vài cá nhân tài xế nào đó “xé rào” làm tổn hại đến cái nhìn thân thiện của du khách khi đến Phú Yên).
Một vấn đề nhỏ nữa mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm, đó là đầu tư hỗ trợ các điểm đến là cơ sở tín ngưỡng. Phú Yên có hai cơ sở thường xuyên có mặt trong lịch trình tour đó là nhà thờ Mằng Lăng và chùa Thanh Lương. Khách đến cũng có thể do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng nhưng phần lớn vẫn là tham quan. Tuy nhiên, hiện hai cơ sở này hoạt động độc lập theo quy định của họ, nên chưa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Nếu nhìn ở góc độ đây là một điểm đến du lịch tâm linh, thiết nghĩ cần có sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất phù hợp từ kinh phí của ngành hoặc xã hội hóa từ các doanh nghiệp du lịch.
ÔNG PHAN VĂN HỔ, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH CHẾ BIẾN THỰC PHẨM A LÝ: Kiểm tra chất lượng lĩnh vực đặc sản quà lưu niệm
Mua gì về nhà sau chuyến du lịch là một trong những nội dung cơ bản trong một chuyến đi của du khách. Thời gian gần đây, khách du lịch đến Phú Yên khá đông tạo nên không khí sôi động trong lĩnh vực quà tặng lưu niệm, trong đó có hàng đặc sản. Hiện nay, Phú Yên có khá nhiều quà tặng đặc sản là thực phẩm chế biến sẵn như: bò một nắng, nai sấy khô, mực khô, cá khô các loại, nước mắm các loại, chả ram tôm đất, rượu thuốc... Tuy nhiên, có một thực tế là không phải sản phẩm nào bày bán ở các cửa hàng cũng được cung ứng từ các công ty có đăng ký sản xuất kinh doanh đàng hoàng.
Cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên kiểm tra vấn đề này, trước hết là để xây dựng uy tín thương hiệu đặc sản Phú Yên, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của du khách, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, môi trường du lịch thân thiện.
TRẦN QUỚI