Trong không khí se lạnh đầu ngày, cùng những tia nắng ấm áp, lòng người du xuân như phơi phới, rộn ràng.
Nhiều hoạt động phục vụ khách chơi xuân
Rực rỡ không gian hoài cổ dịp Tết Mậu Tuất 2018 ở Quảng Đức Xưa - Ảnh: CTV |
Năm nay là năm thứ hai các doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng xã hội hóa làm đường hoa xuân và bắn pháo hoa đêm giao thừa đón mừng năm mới ở núi Nhạn.
Đường hoa Xuân Mậu Tuất 2018 được trình diễn trên đoạn đường Hùng Vương - Điện Biên Phủ đến đường Duy Tân và công viên Thanh thiếu nhi. Đường hoa sẽ khai mạc vào tối 29 tết và duy trì đến mùng 6 tết. Trong thời gian này, ở không gian đường hoa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, cùng các hoạt động vui chơi giải trí như: biểu diễn nghệ thuật đường phố đi cà kheo, nặn tượng, viết thư pháp, kéo co, vẽ tranh, bài chòi, ẩm thực… Toàn bộ các hoạt động cũng như kinh phí tổ chức được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh trước tết đều đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và tung ra những sản phẩm dịch vụ mới với nhiều ưu đãi cho khách sử dụng trong những ngày đầu xuân. Khách sạn Hùng Vương nâng cấp toàn diện hệ thống phòng ốc, tổ chức chương trình giao lưu tất niên và lì xì đầu năm cho khách lưu trú. Nhà hàng - khách sạn Yasaka Hương Sen xây dựng mới khu cà phê tầng. Khách sạn Kaya tiếp tục các hoạt động đường phố, ẩm thực, trò chơi dân gian cùng với không gian đường hoa. Khu du lịch sinh thái Sao Việt trang hoàng lại toàn bộ cảnh quan, đặc biệt là khu vực bãi Xép và đồi Diều, gành Ông… Điều đặc biệt, các cơ sở kinh doanh du lịch, ăn uống đều cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Quảng Đức Xưa gần ngã ba xuống danh thắng Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An) cũng là một địa chỉ thú vị phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm du xuân trong dịp tết này. Trong không gian nhà vườn xanh mát bởi cây trái là hai ngôi nhà gỗ truyền thống nhuốm màu thời gian, bên trong là “bảo tàng” mini về gốm Quảng Đức và những vật dụng trong đời sống thường ngày mang đậm nét văn hóa xưa của người Việt. Đến đây, du khách vừa được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, gốm cổ nổi tiếng làng Quảng Đức; chụp ảnh trong không gian hoài cổ, sinh thái; được thưởng thức cà phê sạch, trà đạo và nhâm nhi món quà quê dân dã bánh cốm, bánh ít lá gai, rim mứt truyền thống và gửi ước vọng đầu năm vào cây nêu cùng những chú heo đất dễ thương, một sản phẩm làm từ đất sét…
Cùng với sự quyết tâm của chính quyền trong việc đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các doanh nghiệp du lịch cũng hưởng ứng mạnh mẽ bằng việc làm mới mình, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng các sản phẩm mới phục vụ du khách trong dịp Tết Mậu Tuất. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: “Sở VH-TT-DL đã có công văn chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý trong dịp tết; xây dựng các chương trình đón tết cổ truyền cùng du khách; các tour du lịch ăn tết quê; tăng cường công tác trật tự, đảm bảo an toàn cho cơ sở và khách lưu trú…”.
Du xuân trên vịnh Xuân Đài - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Du xuân qua miền lễ hội
Phú Yên có một hệ thống di tích văn hóa lớn, và dịp Tết Nguyên đán thường là thời gian của lễ hội. Không gì thích thú bằng khi cả năm chăm lo công việc, ngày tết thư thả, rảnh rang vừa chơi tết, du xuân vừa hòa mình vào không khí lễ hội ở các vùng miền quê hương mình. Đó còn là dịp để trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, hay thưởng thức những món ẩm thực đặc sản trong ngày tết.
Ngày xuân đi đánh bài chòi là một trong những niềm say mê, vui thú của nhiều người có tuổi. Ở Phú Yên, hội bài chòi dịp tết gần như địa phương nào cũng có. Đặc biệt, vừa qua bài chòi miền Trung được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại nên việc bảo tồn, phát huy, tạo nên sức sống mới của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này năm nay được nhiều nơi mở hội. Bài chòi đã và đang “phục hưng” và được nhiều bạn trẻ tìm về, nhiều khách du lịch nôn nao muốn xem một hội đánh bài chòi có đầu có cuối, nghe những câu thai vần điệu, ý nhị.
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng tại gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) là một trong những lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Bãi đua là một vùng đất rộng, bằng phẳng trên gò Thì Thùng. Vòng tròn đường đua, vòng tròn hàng ngàn khán giả reo hò cổ vũ càng làm những con ngựa thả sức phi nước đại tung vó bụi mù về đích trong sự thán phục của nhiều người.
Với địa hình đa dạng phong phú, dù ở miền núi đến đồng bằng duyên hải, các cộng đồng dân cư luôn gắn với sông suối, biển, hồ, thế nên ở hầu hết các địa phương, ngày tết đều tưng bừng diễn ra lễ hội sông nước. Có những lễ hội truyền thống lâu đời như Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan (huyện Tuy An) được tổ chức vào ngày mùng 7 tết tại xã An Cư, với các nội dung gắn với đời sống cư dân ven đầm như đua thuyền rồng, sõng chài, sõng lưới, sõng chống sào, lắc thúng chai. Cùng với đó là các hoạt động trình diễn: múa siêu, múa lân, hò bá trạo... cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Lễ hội đua thuyền sông Chùa (TP Tuy Hòa, mùng 7 tết); lễ hội Sông nước Đà Nông (huyện Đông Hòa, mùng 8 tết); lễ hội Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, diễn ra hai ngày mùng 5 và mùng 6 tết) với rất nhiều hoạt động như đan lưới, chèo thuyền, bơi thúng…
Người dân các huyện miền núi như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và nhiều địa phương khác ngày tết cũng tưng bừng không kém với những lễ hội liên quan đến sông hồ, bên cạnh những trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Nhiều lễ hội khác mang đậm tính văn hóa, lịch sử, tâm linh trong những ngày xuân tiêu biểu không thể bỏ qua với cả người quen, lẫn khách lạ khi đến Phú Yên như: Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn, được tổ chức vào đêm rằm tháng Giêng tại sân tháp Nhạn, TP Tuy Hòa. Đây là hội thơ xuân lâu đời nhất trong cả nước trước khi Ngày Thơ Việt Nam ra đời. Lễ dâng hương đập Đồng Cam và nhiều lễ hội khác như: Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh được tổ chức vào ngày 6/2 âm lịch tại xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa); Lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương được tổ chức vào ngày 27, 28 tháng Giêng tại xã An Hiệp; Lễ hội Chùa Đá Trắng được tổ chức vào mùng 10, 11 tháng Giêng tại thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An)…
Hai điểm tham quan du lịch có thu phí là Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Điện vừa được Ban quản lý Di tích đầu tư khắc phục sau đợt bão cuối năm và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật đưa vào hoạt động trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Tại điểm tham quan du lịch Gành Đá Đĩa, đơn vị đã triển khai thi công và hoàn thiện các hạng mục công trình: Khu vệ sinh; lát đá bãi đậu xe (gần 5.000m2); hệ thống chống sét, hệ thống nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới cây; lắp điện chiếu sáng tại bãi đậu xe và đường lớn vào gành Đá Đĩa; đường đi bộ phía đông gành Đá Đĩa; giàn hoa tạo bóng mát và các tiểu cảnh công viên. Ở di tích thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện, đơn vị đã sửa chữa tạm thời tam cấp đường xuống Bãi Môn, lên Mũi Điện đã bị sụp lún để đảm bảo an toàn cho du khách; tạo các tiểu cảnh tạo cảnh quan… Để đảm bảo trật tự, an toàn cho du khách trong những ngày cao điểm, Ban quản lý Di tích đã xây dựng phương án phối hợp với công an xã, huyện và các lực lượng liên quan triển khai trong dịp tết.
Ông Trần Doãn Xuân, Trưởng Ban quản lý Di tích (Sở VH-TT-DL Phú Yên) |
TRẦN QUỚI