Chủ Nhật, 24/11/2024 02:30 SA
Giấc mơ du lịch xanh ở xứ sở hoa vàng
Thứ Bảy, 17/02/2018 14:00 CH

Phú là giàu có, phú quý; Yên là an, an bình, yên tĩnh. Đó là kỳ vọng của người xưa về địa danh Phú Yên. Từ xa xưa, vùng đất Phú Yên đã nổi danh là tươi đẹp, quan trọng và ngày nay chính những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn ấy là cơ sở, điều kiện tiên quyết thuận lợi để Phú Yên phát triển du lịch xanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

 

Khi những cánh én chao liệng báo hiệu mùa xuân về, cỏ cây đâm chồi nảy lộc ngút ngát trên xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Hương xuân tràn ngập trên từng ngõ xóm, trải dài thấm đẫm trên tháp Nhạn lung linh, gợi nhớ nét xưa linh thiêng, giao hòa đất trời với sừng sững Đá Bia oai phong kỳ vĩ.

 

Tốp 4 người đẹp cuộc thi hoa hậu ASEAN ở danh thắng gành Đá Đĩa - Ảnh: QUỲNH MAI

 

VÙNG ĐẤT CỦA TÀI NGUYÊN GIÀU CÓ

 

Phú Yên thật sự giàu có tiềm năng và an bình từ bao đời nay. Phú Yên đẹp kiêu sa không thua kém bất kỳ một thiên nhiên hùng vĩ nào trên đất nước hình chữ S. Với gần 200km chiều dài bờ biển, biển Phú Yên tung tăng sóng xanh bên dãy Trường Sơn, tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt. Bao nhiêu là đầm, vịnh, bãi tắm đẹp nổi tiếng như: bãi Nồm, bãi Ôm, bãi Xép, bãi Từ Nham, bãi Tiên... Nổi bật hơn cả là gành Đá Đĩa, một kiệt tác của thiên nhiên được tạo ra từ những dòng nham thạch của núi lửa vài triệu năm trước, kết cấu địa tầng, diện mạo địa chất đặc biệt hơn hẳn nhiều nơi trên thế giới như đảo Jeju (Hàn Quốc). Mũi Điện là nơi đón tia nắng đầu tiên trên đất liền ở Việt Nam, những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức chào cờ Tổ quốc đầu năm mới ở đây, càng làm cho nơi này thêm thiêng liêng.

 

Phú Yên còn sở hữu cả kho tàng thắng tích cấp quốc gia đồ sộ và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Từ bộ đàn đá ở Tuy An có từ 2.500 năm trước minh chứng về một nền văn hóa phát triển rực rỡ. Nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, đặc biệt hơn nữa là nơi này hiện đang lưu giữ bộ sách của người khai sinh chữ quốc ngữ Việt Nam Alexandre de Rhoodes, được in từ 350 năm trước. Những câu hò, điệu lý từ ngàn xưa để lại vẫn trường tồn sức sống. Dân ca bài chòi miền Trung vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào của tất cả con dân nước Việt…

 

Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh thử  đàn đá Tuy An niên đại trên 2.500 năm bên Tháp Nhạn - Ảnh: QUỲNH MAI

 

Phú Yên giàu có, văn vật, đậm đà bản sắc. Cảnh đẹp quê hương núi Nhạn sông Đà làm tốn bao giấy mực của thi nhân, mặc khách mỗi khi lưu bước Phú Yên. Miền đất hoa vàng cỏ xanh cuốn hút biết bao người ước muốn một lần được đặt chân đến đây để tận hưởng không khí trong lành và để thưởng thức những món đặc sản có một không hai, như: cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, tôm sỏi, ốc nhảy, cầu gai... Có những món ăn mà tầm ảnh hưởng đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, trở thành món ăn khoái khẩu của bạn bè quốc tế.

 

HIỆN THỰC GIẤC MƠ DU LỊCH XANH, BỀN VỮNG

 

Xuân đã về rạo rực. Đất trời khoác lên mình Phú Yên một màu xanh của lá, màu vàng của hoa làm bừng tỉnh nàng công chúa du lịch xinh đẹp, vui mừng chào đón khách bốn phương. Với những tiềm năng, tài nguyên sẵn có, Phú Yên có điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch xanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

 

Theo thống kê của ngành Du lịch Phú Yên, từ sau năm 2011-2017, du lịch Phú Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 17%/năm; doanh thu du lịch tăng 30% mỗi năm. Riêng năm 2017 khách du lịch đến Phú Yên đã đạt trên 1,4 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ.

 

27 người đẹp đến từ 8 quốc gia khối ASEAN tham dự cuộc thi Hoa hậu ASEAN ở Bãi Môn - Mũi Điện - Ảnh: QUỲNH MAI

 

Những tín hiệu vui đó là tiền đề để Phú Yên hiện thực hóa giấc mơ du lịch xanh. Xanh ở đây là phát triển bền vững, không phát triển nóng như một số nơi. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là mục tiêu mà nghị quyết của toàn Đảng bộ đã triển khai thực hiện. Hạ tầng đường đến Phú Yên, từ trung tâm TP Tuy Hòa đến các điểm du lịch từng bước hiện đại. Đường không đã được máy bay to đáp xuống, tạo nên sự nhộn nhịp, khi khách đến với Phú Yên ngày một nhiều. Trong xây dựng sản phẩm du lịch, Phú Yên đã lấy chiều sâu văn hóa làm tiền đề để níu giữ khách. Kho tàng văn hóa bản địa phong phú cùng truyền thống lịch sử hào hùng và cảnh quan độc đáo có một không hai đã là bà đỡ để hoạt động đầu tư du lịch ghi điểm. Một số nhà đầu tư chiến lược đã vào Phú Yên với những sân golf, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…

 

Ước mơ về một miền du lịch xanh ở xứ sở hoa vàng là có thật, đó cũng là ý chí của Đảng bộ, nhân dân Phú Yên khi muốn du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”. Mục tiêu trong 5 năm tới sẽ thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2020 toàn tỉnh có hơn 250 cơ sở lưu trú du lịch, với 5.800 buồng (tăng gấp đôi so với năm 2015), có trên 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; thu hút trên 8.000 lao động trong lĩnh vực du lịch; đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa và một số khu, điểm du lịch địa phương; hình thành một số khu du lịch cao cấp với loại hình du lịch sinh thái nhân văn, nghỉ dưỡng…

 

Giấc mơ du lịch xanh, phát triển bền vững ở xứ sở hoa vàng của người Phú Yên đang dần trở thành hiện thực. Nàng xuân đã đến bên cửa sổ, cùng mỉm cười hòa vào giấc mơ vàng của người dân xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh về một miền du lịch hấp dẫn, thân thiện!

 

TS NGUYỄN QUỐC HƯNG - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI, NGUYÊN PHÓ TÔNG CỤC TRƯỞNG TÔNG CỤC DU LỊCH: Không phát triển nóng gây tổn hại môi trường, văn hóa 

 

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 là bước đột phá trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam và khẳng định quan điểm chiến lược, xuyên suốt, thống nhất là: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch phải là phát triển bền vững, không bất chấp mà phải đảm bảo cân bằng giữa phát triển với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

 

Như vậy có thể thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và vị trí của du lịch trong tầm nhìn chiến lược phát triển của đất nước. Trong quan điểm phát triển, nghị quyết cũng chỉ rất rõ về phát triển du lịch phải theo hướng bền vững. Nghĩa là, không bất chấp mà phải đảm bảo cân bằng giữa phát triển lợi ích kinh tế với phát triển hài hòa các yếu tố văn hóa, môi trường, xã hội và an ninh trật tự.

 

Phú Yên rất giàu về tiềm năng, được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan hiếm có, trong đó có thắng cảnh độc nhất vô nhị gành Đá Đĩa; kho tàng di sản văn hóa quý. Đây là điều kiện cơ bản, tiên quyết để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Du lịch Phú Yên so với nhiều địa phương trong cả nước có phát triển muộn hơn, xét về mặt tích cực thì đây là cơ hội để chúng ta rút kinh nghiệm, tránh phát triển nóng và cần có chiến lược, quy hoạch tổng thể, chi tiết, hướng tới phát triển bền vững.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÚ YÊN PHAN ĐÌNH PHÙNG: Ưu tiên các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bền vững 

 

Du lịch đang là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất, lớn nhất góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia. Nhu cầu du lịch thế giới cũng đang có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao. Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch hướng về cội nguồn, thiên nhiên trở thành những xu hướng nổi trội. Với những thế mạnh về tiềm năng sinh thái và nhân văn, Phú Yên xác định: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2016-2020, sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Theo đó, du lịch sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự.

 

PSG.TS NGUYỄN HỮU THỨC, NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG: Du lịch sinh thái nhân văn là xu hướng lâu dài 

 

Các nhà du lịch học cho rằng, kinh tế du lịch luôn dựa vào hai nguồn tài nguyên chính trong môi trường tự nhiên và xã hội. Du lịch muốn phát triển thì phải luôn coi trọng, bảo tồn và phát huy cả hai nguồn tài nguyên này. Thực tiễn cho thấy, cùng với du lịch sinh thái cảm nhận cảnh quan tự nhiên, du lịch cộng đồng đến khu phố dân cư, làng bản cổ trải nghiệm văn hóa tộc người thu hút đông du khách. Sự kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa tộc người, chính là du lịch sinh thái nhân văn, là xu hướng phát triển của thời đại. Loại hình du lịch này được nhận biết bởi các yếu tố: Khách du lịch thưởng ngoạn trong điều kiện cảnh quan môi trường tự nhiên ít bị ô nhiễm bởi quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa; cảm nhận về một nền văn hóa khác, đặc thù; giao lưu, tương tác, trải nghiệm với cộng đồng.

 

Một thực tế khác phũ phàng từ việc phát triển du lịch quá nhanh, quá nóng, thiếu kiểm soát, không bền vững dẫn đến môi trường bị suy thoái, xuống cấp; bản sắc văn hóa của địa phương bị phai nhạt, văn hóa tộc người bị biến dạng, lai căng. Bởi vậy, phải giáo dục người dân biết trân trọng, giữ gìn những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng mình, truyền dạy vốn văn hóa quý báu cho thế hệ trẻ. Việc bảo vệ và phát huy cảnh quan môi trường cũng là yếu tố cốt lõi trong phát triển du lịch nhân văn. Để làm được điều này cần hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể của Nhà nước, chính quyền các cấp và cả cộng đồng cùng chung tay.

 

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL PHÚ YÊN PHẠM VĂN BẢY: Tăng cường tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch

 

 

Du lịch sinh thái, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng và là xu hướng tất yếu, góp phần bảo tồn tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn. Những năm qua, tỉnh Phú Yên rất quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; xây dựng đề tài khoa học, đề án phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Các đơn vị kinh doanh lữ hành đã xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái biển đảo, trải nghiệm văn hóa.

 

Năm mới 2018, du lịch Phú Yên liên tục đón nhận tin vui, trong đó có việc quần thể Hòn Yến được công nhận danh thắng cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài  đến năm 2030. Trong quy hoạch cũng thể hiện rõ mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là quan điểm nhất quán, xuyên suốt.

 

TRẦN QUỚI (ghi)

 

NGUYỄN ĐẠI BÀNG

Tổng Biên tập Báo Du lịch Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek