Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện miền núi Đồng Xuân cũng có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển du lịch, từ tài nguyên thiên nhiên đến nhân văn. Đứng đầu trong số đó là di sản văn hóa Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H’roi, Ba Na và tài nguyên thiên nhiên suối nước nóng Triêm Đức. Vấn đề là làm thế nào để thu hút đầu tư và cách làm du lịch hiệu quả.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú
Chúng tôi vừa có chuyến về lại Đồng Xuân cùng một doanh nhân đang muốn khảo sát đầu tư du lịch Phú Yên. Đích thân Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh đưa đến địa danh có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú rất nổi tiếng nhưng chưa được nhiều người quan tâm đầu tư phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo: Suối nước nóng Triêm Đức.
Từ thị trấn La Hai ngược lên phía tây, trên đoạn đường đã được bê tông hóa khoảng chừng 5 cây số, từ đường lớn rẽ trái qua cánh đồng hẹp hơn 500m là đến suối nước nóng Triêm Đức (thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2). Gọi là suối, nhưng trước mặt chúng tôi là con sông Kỳ Lộ, đoạn mở rộng về hạ lưu. Phía mặt sông, hơi nước tỏa khói lãng đãng. Cứ ngỡ là hơi sương, hơi nước mùa mưa, nhưng không, là hơi nóng bốc lên. Ngay trên bờ chỗ chúng tôi đứng là một triền đá lớn màu trắng hồng, phía dưới những rãnh đá chảy ra những dòng nước nóng tràn xuống mặt sông. Ở một hốc đá lớn, nước đọng lại nóng bốc hơi đến độ có thể dùng để luộc chín trứng. Đá đỏ xếp thành triền tạo thành vực cao so với mặt sông, nước chảy ra nóng hổi, có lẽ vậy nên người dân địa phương gọi là vực Lò (?). Anh Mạnh Minh Tâm, nguyên Trưởng Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, sau là Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL Phú Yên) nay đã nghỉ hưu, rất tâm đắc với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này: “Giữa buổi sáng mùa đông, được tắm từ chỗ nước nóng phun ra hợp lưu với dòng sông Kỳ Lộ, như được bữa xông hơi thỏa thích; được ngắm những cột khói đá bốc hơi, trời nước lãng đãng mây ngàn, trông rất huyền ảo và thơ mộng”.
Suối nước nóng Triêm Đức, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Phía bờ suối nước nóng khu vực gò cao là khu rừng, vừa là rừng keo lai và còn sót lại một số cây gỗ lớn như cốc da đá, lành ngạnh, bằng lăng và thảm thực vật tương đối phong phú, xanh mát... Cũng theo anh Mạnh Minh Tâm, khu vực này trước đây có rất nhiều loài phong lan như: trường kiếm, phượng vĩ, mai lan; dương xỉ và cây thuốc chữa bệnh mạch lươn cực hay. Rừng nơi đây còn là “hòn cấm”, cây cối um tùm rậm rạp. Đồi núi này như một vườn sinh thái an lành cho các loài chim muông, thú rừng: gấm, chồn, công, gà sao, trĩ, chim xanh, gầm gì, cu đất…, rừng cả ngày không ngớt tiếng chim chao lượn, reo hót véo von.
Phía đầu nguồn nơi dòng nước nóng chảy ra ở bờ đá là một dải ruộng rộng lớn với thảm thực vật tầng thấp dày. Bước lên, chúng ta có cảm giác nền đất yếu, lềnh phềnh như trên túi bùn lỏng; giữa các khe ô ruộng có những trũng, khe nước rất nóng.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, người sinh ra và lớn lên ở gần khu vực suối nước nóng Triêm Đức, cho biết nguồn nước nóng khu vực này rất đặc biệt. Nước nóng tầm 70-800C, có thể trụng được gà để làm lông, luộc trứng gà, trứng cút. Trứng luộc bằng nước nóng ở đây cũng rất đặc biệt, trứng chín thơm nhưng không khô, mà có cảm giác deo dẻo. “Mặc dù về địa lý có thể cách trở, nhưng với sự kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho suối nước nóng Triêm Đức, nếu có nhà đầu tư thì đây là tài nguyên rất quý cho dịch vụ du lịch tắm bùn khoáng chữa bệnh”, ông Tâm nói.
Phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngoài sự đặc biệt tự nhiên này, khu vực suối nước nóng Triêm Đức còn lại hai di tích miếu thờ, có thể phục dựng tạo nên một khu du lịch với nhiều loại hình sản phẩm: du lịch sinh thái, chữa bệnh, tâm linh. Theo các cụ cao niên, ở đây ngày trước có hai ngôi miếu khá quy mô, là miếu Bà và miếu Ông (rất linh thiêng), hiện vẫn còn nền móng cũ. Miếu Ông thờ Lạc Long Quân, miếu Bà thờ Thánh mẫu Âu Cơ, được tạo dựng vào khoảng năm 1895. Qua biến thiên thời gian, hai ngôi miếu này bị tàn phá thành hoang phế. Nếu được khôi phục, trùng tu sẽ mang giá trị lớn không chỉ là văn hóa tâm linh của người dân địa phương mà cũng là tài nguyên để phát triển du lịch tâm linh.
Một di sản văn hóa rất giá trị khác của bà con đồng bào dân tộc Chăm H’roi và Ba Na ở xã Xuân Lãnh là Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm, được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia vào đầu năm 2016. Trước đó, từ năm 2014, huyện đã có đề án Phát triển văn hóa, du lịch thôn Xí Thoại và Hà Rai (xã Xuân Lãnh). Đến nay, huyện Đồng Xuân đã xây dựng cơ bản thành công hai thôn văn hóa trên trở thành nơi có thể đón khách du lịch thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật văn hóa đặc sắc và trải nghiệm cuộc sống của bà con. Đội cồng chiêng được kiện toàn, vận động các thanh thiếu niên tham gia; nghề dệt thổ cẩm và làm rượu ché truyền thống được khôi phục; hai lễ hội truyền thống quan trọng nhất là lễ hội xoay cột con trâu và lễ cúng mừng sức khỏe cũng được phục dựng…
Di sản văn hóa Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm cùng không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Ba Na ở Đồng Xuân là tài nguyên nhân văn vô cùng quan trọng, có giá trị có thể đầu tư phát triển để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch văn hóa không đơn giản nếu không có sự quan tâm đầu tư xứng tầm.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của chính quyền, cùng sự tự nguyện, đồng thuận của đồng bào dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống và các di sản văn hóa đặc trưng, độc đáo của mình, hy vọng Đồng Xuân sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách với những sản phẩm du lịch độc đáo.
Thu hút các nhà đầu tư tâm huyết
Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh cho biết: Đến nay, đề án Phát triển văn hóa, du lịch thôn Xí Thoại và Hà Rai (xã Xuân Lãnh) đã đạt được những kết quả bước đầu. Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2016-2020, Đồng Xuân tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể cho nội dung này. Trong đó hai vấn đề trọng tâm đặt ra là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng của địa phương, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Thứ hai là thu hút các nhà đầu tư có điều kiện, tiềm lực đầu tư các khu, điểm, sản phẩm du lịch sinh thái, mà suối nước nóng Triêm Đức là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vừa qua, huyện đã tiếp một số đoàn, doanh nghiệp đến đây khảo sát để đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch. Chính quyền đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư tâm huyết đầu tư phát triển du lịch địa phương. |
TRẦN QUỚI