Khi du lịch phát triển, kéo theo nhiều lực lượng lao động tăng lên, trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Hiện nay, những HDV có thẻ và đang hoạt động hướng dẫn du lịch tăng khá nhanh. Với họ, một trong những nhu cầu là có một tổ chức để sinh hoạt, giao lưu và hỗ trợ nghiệp vụ… dưới hình thức CLB nghề nghiệp.
Từ những chuyến offline
Trong một tour du lịch, HDV là linh hồn, là người kết nối, dẫn dắt du khách đến với các sản phẩm du lịch cụ thể. Chuyến du lịch thành công hay không, để lại nhiều dấu ấn hay không phần lớn có sự góp sức của các HDV. Các HDV dồi dào kiến thức, hiểu sâu về những điều mình giới thiệu cho khách suốt hành trình cũng như tại điểm đến cộng với tính cách dễ thương, nhiệt tình là một thành công của đơn vị lữ hành hay rộng hơn là hình ảnh du lịch địa phương cũng đẹp hơn trong mắt du khách.
Hiểu được điều này, hơn ai hết, các HDV du lịch luôn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp qua nhiều kênh, nhiều nguồn, trong đó có những buổi giao lưu, offline với các đồng nghiệp.
Tháng trước, tôi có dịp được tham gia một chuyến offline cùng các bạn HDV trên địa bàn tỉnh với thời gian hai ngày một đêm. Một tour du lịch mini đặc biệt với gần 40 thành viên. Ở đó không có du khách, trừ những khách mời, còn lại là người nhà, là HDV. Trên suốt hành trình, các thành viên không phải trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên, chất lượng dịch vụ, hương vị đặc sản như những du khách bình thường, mà mỗi người phải thể hiện năng khiếu và cách xử lý tình huống của mình trong công việc hướng dẫn và gây cười một cách có duyên. Dĩ nhiên không phải thi thố giữa các thành viên, mà cái chính là mỗi người đều thể hiện, khẳng định mình, đồng thời lắng nghe để “bỏ túi” những kỹ năng, thông tin, kiến thức mình còn thiếu từ đồng nghiệp. Có người thì thể hiện năng khiếu thuyết minh một cách thu hút, người thì bộc lộ kỹ năng xử lý tình huống trên xe, người có thế mạnh về năng khiếu gây cười bằng những câu chuyện vui và cách dẫn chuyện hài hước, có người trổ tài MC game show, các trò chơi vận động… Tất cả đều tham gia, tất cả đều được giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Anh Nguyễn Hoàng Vương, xuất thân từ HDV và quản trò nhiều kinh nghiệm, bây giờ là chủ một công ty du lịch chuyên về teambuiding tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nghề HDV du lịch phải học suốt, không ai có thể tự tin cho rằng mình đã biết đủ. Mỗi HDV có một bí quyết, kỹ năng, nên việc tổ chức các buổi giao lưu, những chuyến offline như thế này là cách để mọi người kết nối và làm phong phú hơn vốn kiến thức, kỹ năng hướng dẫn của mình”.
Anh Võ Tấn Tài, thành viên kết nối tổ chức chuyến offline này cho biết, thường vào mùa du lịch thấp điểm, anh em HDV có thời gian để tập hợp, xả stress. Năm trước, anh em HDV cũng tự tổ chức một chuyến nhưng quy mô nhỏ hơn. Ngoài chuyến tập trung đông lực lượng, anh chị em làm nghề hướng dẫn cũng thường xuyên có những buổi cà phê để trò chuyện, chia sẻ công việc, nghề nghiệp.
Do tính chất công việc nên hầu hết HDV thường hoạt động tự do, làm việc theo hợp đồng hướng dẫn với các đơn vị lữ hành hơn là nhân viên cơ hữu của một công ty nhất định. HDV du lịch là nghề đi nhiều, nói nhiều, không phải lúc nào cũng “thiết kế” được và tập hợp họ một cách đầy đủ. HDV Thái Mỹ Vàng chia sẻ: “Công việc của HDV du lịch thường xuyên ở trên xe, ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Những lúc cao điểm, HDV đi tour suốt, không có ngày nghỉ trong tháng. Chỉ có mùa du lịch thấp điểm, HDV mới thảnh thơi về thời gian, tổ chức các buổi gặp mặt offline”.
Cơ sở hình thành Câu lạc bộ HDV
Hiện nay, số HDV du lịch có thẻ HDV đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Yên không nhiều, nhưng cũng không quá hiếm như cách đây chừng 5 năm về trước. Vài năm gần đây, đội ngũ này tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT-DL Phú Yên), hiện số HDV được cấp thẻ là 60 người. Trong số này có nhiều HDV làm việc ngoài tỉnh.
Với những người làm công việc hướng dẫn du lịch, việc tập hợp thành tổ chức, tạo những sân chơi và chia sẻ kinh nghiệm là nhu cầu thiết thực. Anh Tuấn, một hướng dẫn trẻ chia sẻ: “Tham gia các chuyến offline cùng những anh chị làm nghề, mình học tập được rất nhiều từ kiến thức đến kỹ năng, mẹo vặt. Em mong muốn hoạt động này thường xuyên được tổ chức và hình thành được CLB của những người hướng dẫn để có nơi sinh hoạt, giao lưu”. Chị Lệ Hằng, cán bộ thuyết minh Bảo tàng Phú Yên, cho biết nhu cầu tập hợp, hình thành tổ chức nghề nghiệp là mong muốn của nhiều người làm HDV du lịch. Với số lượng HDV ngày một tăng theo yêu cầu phát triển du lịch tỉnh nhà, việc hình thành một câu lạc bộ HDV du lịch là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết. Đây sẽ là sân chơi lành mạnh cho chính các bạn. “Vài năm gần đây, anh em HDV tự kết nối tổ chức nhiều buổi gặp mặt, chuyến offline mini rất thú vị. Mọi người đều rất thích thú khi nêu ý tưởng thành lập Câu lạc bộ HDV du lịch, để có nơi sinh hoạt, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cũng như tham gia tốt hơn các hoạt động thiện nguyện”, HDV Thái Mỹ Vàng nói.
Những năm gần đây, du lịch Phú Yên có bước phát triển tích cực. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành được thành lập, cùng với đó là đội ngũ HDV du lịch cũng tăng lên. Nhằm tạo sân chơi cho tất cả anh chị em ở nhiều ngành nghề trong lĩnh vực du lịch, Hiệp hội Du lịch Phú Yên từng bước vận động thành lập các chi hội, CLB theo nhóm nghề riêng biệt. Đến nay, hiệp hội đã thành lập được Chi hội Đầu bếp Phú Yên, đang hoạt động rất hiệu quả. Hiệp hội đang tiếp tục vận động thành lập Chi hội Khách sạn. Riêng đối với đội ngũ HDV, thuyết minh viên du lịch, thường trực hiệp hội cũng đặt vấn đề và hình thành ban vận động, tiến tới thành lập câu lạc bộ hoặc Chi hội HDV, thuyết minh viên du lịch Phú Yên.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên Nguyễn Thành Tâm |
TRẦN QUỚI