Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL) vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức lớp tập huấn cho tất cả cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH-TT-DL và các trường trên địa bàn tỉnh về công tác bảo đảm chất lượng và tự đánh giá chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ đào tạo tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch toàn quốc. Nhân dịp này, Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS Bùi Quang Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL) xung quanh nội dung này.
PGS.TS Bùi Quang Hải |
* Thưa ông, mục đích của lớp tập huấn lần này là gì và vì sao Phú Yên là địa phương được chọn làm nơi đăng cai tổ chức?
- Lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày, dành cho cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trực thuộc Bộ VH-TT-DL trên toàn quốc và đại biểu các trường có đào tạo các chuyên ngành này trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mục đích của lớp tập huấn là trang bị những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo đảm chất lượng và tự đánh giá chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ đào tạo tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch; nâng cao nhận thức, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
Các học viên chia thành hai khối: khối học viện/đại học và khối cao đẳng, trung cấp, tập huấn các chuyên đề như: Tổng quan về công tác đảm bảo chất lượng; tính đa chiều của chất lượng; mô hình quản lý chất lượng tổng thể; bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo; hướng dẫn xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Việc chọn Phú Yên làm địa điểm đăng cai không ngoài mục đích giới thiệu cho các đại biểu toàn quốc về địa phương mà lĩnh vực du lịch thời gian gần đây phát triển khá nhanh, thu hút một lượng khách lớn trong nước và quốc tế với thương hiệu rất thơ: Xứ sở hoa vàng cỏ xanh!
* Thưa Phó Vụ trưởng, hiện nay số cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH-TT-DL hàng năm đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội thế nào, đã đáp ứng được nhu cầu thực tế chưa?
- Hiện nay, cả nước có 28 cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Trong đó khối văn hóa có 16 cơ sở, bao gồm viện nghiên cứu nghệ thuật quốc gia, các nhạc viện, đại học sân khấu - điện ảnh, văn hóa, mỹ thuật; khối du lịch có 8 trường cao đẳng du lịch; khối thể thao có 3 trường đại học và một viện nghiên cứu TDTT.
Hàng năm, các cơ sở này cộng với các trường cao đẳng, đại học, học viện thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT và các trường trực thuộc tỉnh đã đào tạo hàng chục ngàn lao động. Để đánh giá vấn đề nguồn nhân lực sau đào tạo đã đáp ứng nhu cầu xã hội đến mức nào lại là một câu chuyện dài. Nhưng có một thực tế là nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, phải đi làm những công việc trái ngành nghề. Không ít sinh viên có việc làm thì cơ sở phải đào tạo lại, nhất là khối ngành nghề du lịch. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành chứ không riêng ngành VH-TT-DL. Quan điểm chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc bộ là bằng nhiều giải pháp, nguồn lực đảm bảo chất lượng đào tạo. Nội dung đào tạo phải sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng được công việc sau khi ra trường. Các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch nâng cao trình độ giảng viên, giáo viên, tập huấn, học tập trao đổi kinh nghiệm ở các nước tiên tiến; đánh giá, giám sát nội dung, chất lượng đào tạo.
Ngành Du lịch Phú Yên thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh: TRẦN QUỚI |
* Ông có thể nói rõ hơn về chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Du lịch hiện nay cũng như những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này?
- Riêng đối với ngành Du lịch, vấn đề nguồn nhân lực đang rất được quan tâm từ Chính phủ, nhất là khi Du lịch được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, nhân lực cho ngành Du lịch sau đào tạo đáp ứng cơ bản nhu cầu của xã hội. Các sinh viên được đào tạo cơ bản về lý thuyết, kỹ năng và phần nhiều là ứng dụng thực tế ở các lĩnh vực buồng, bàn, bar, bếp, lữ hành, quản lý nhà hàng khách sạn. Đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 hiện nay có tác động mạnh mẽ đến việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Để phù hợp với tình hình hiện nay, các cơ sở đào tạo cần phải cập nhật nhiều kiến thức, những bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề mà khối ASEAN thông qua năm 2016. Hiện nay, nhiều trường du lịch như cao đẳng Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế, Hà Nội… chất lượng đào tạo sinh viên khá cao, khi chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đăng ký đặt hàng.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, như đã nói, đây là vấn đề then chốt trong mục tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo. Nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học đặt ra vấn đề này và phân tích một cách nghiêm túc. Theo đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo; việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chính sách, các doanh nghiệp phải vào cuộc thực sự, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo là một trong những giải pháp cơ bản. Vì chỉ có gắn đào tạo với việc làm mới mong đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo, có thể cạnh tranh được với thị trường khu vực.
* Cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)