Những ngày này, những người làm du lịch, tâm huyết với du lịch, đặc biệt là những người đam mê văn hóa ẩm thực cả nước đón nhận một sự kiện, kết quả đã ấp ủ từ nhiều năm nay. Đó là sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực ra đời không chỉ để có thêm một tổ chức xã hội nghề nghiệp mà quan trọng hơn là duy trì và phát triển nhằm đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia, xây dựng các bảo tàng ẩm thực. Việt Nam là nước nông nghiệp, với văn minh lúa nước, là nơi khởi phát và lưu giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực. Với người Việt, ẩm thực không chỉ là khái niệm ăn, uống mà nó trở thành văn hóa. Ẩm thực chuyên chở giá trị của quá khứ - hiện tại - tương lai một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngay cả những món ăn nước ngoài khi du nhập sẽ được biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính là sự cân bằng âm - dương, cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc. Bên cạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Việt Nam luôn hướng tới giá trị “ngon và lành”. Như cách nói của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới thì: Ẩm thực Việt là sự pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ thể hiện bản sắc của dân tộc mà còn truyền tải những ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có tác động trực tiếp và rộng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó văn hóa ẩm thực có sự liên quan mật thiết. Ẩm thực có thể xem là một trong bốn điều kiện căn bản nhất để thỏa mãn nhu cầu của du khách trong một chuyến đi là: chơi gì, ăn gì, ngủ ở đâu và mua cái gì về nhà. Thực tế cũng cho thấy, trong tổng doanh thu mà du lịch mang lại thì lĩnh vực ăn uống chiếm một tỉ trọng khá lớn.
Miếng ăn không phải hàng đầu, nhưng rõ ràng khi ăn uống được kết tinh nâng tầm văn hóa thì càng là yếu tố quan trọng để níu chân du khách. Ông Lý Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, vừa được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam từ lâu đã đặt kỳ vọng lấy ẩm thực làm thương hiệu, đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”.
Đại hội Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã thông qua điều lệ hoạt động với 300 hội viên và quan trọng hơn là hiệp hội đã bàn bạc, thống nhất những mục tiêu, chiến lược để bảo tồn, phát triển văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia, một thành phần không thể thiếu của thương hiệu du lịch Việt. Hiệp hội xây dựng một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú thông qua nhiều sự kiện, chương trình hành động thiết thực như mở trường đào tạo, tổ chức các cuộc thi, chương trình quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… để tạo nên một nền ẩm thực chuyên nghiệp. Hiệp hội còn xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Việc này vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân và sức khỏe người tiêu dùng, từ đó quảng bá và khai thác hiệu quả giá trị ẩm thực Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy phát triển du lịch, mang hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, nền văn hóa ẩm thực gắn chặt với ngành Du lịch Việt Nam. Do đó, sự ra đời của hiệp hội sẽ vừa củng cố, phát huy giá trị ẩm thực Việt, vừa giúp giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với du khách quốc tế. Hy vọng với vai trò và sứ mệnh của mình, cùng với những người tâm huyết, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực sẽ là cú hích cho ngành Du lịch phát triển.
QUỲNH MAI