5 năm trở lại đây, đều đặn vào tối thứ bảy hàng tuần, các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch đã quen với việc đưa khách tour đến xem biểu diễn nghệ thuật ở sân Tháp Nhạn. Trong bối cảnh Phú Yên còn quá ít những sản phẩm vui chơi, giải trí vào ban đêm thì hoạt động này đã góp phần tạo ấn tượng với du khách.
Từ giữa năm 2013, ngành Du lịch tỉnh nhận thấy địa phương còn quá ít, đúng hơn là quá nghèo nàn các sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là ban đêm để phục vụ du khách, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh trích từ kinh phí xúc tiến du lịch để hình thành hoạt động: Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách ở sân Tháp Nhạn vào tối thứ bảy hàng tuần.
Thêm mục giải trí cuối tuần
Trong suốt thời gian qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân Tháp Nhạn phục vụ du khách đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách. Nó như một hoạt động, sản phẩm du lịch giải trí về đêm “có chất”, trong bối cảnh tỉnh ta còn quá nghèo nàn về các loại hình dịch vụ này. Còn nhớ, những chương trình biểu diễn đầu tiên và duy trì cho đến hiện nay, mặc dù là một buổi biểu diễn phục vụ nhưng Sở VH-TT-DL Phú Yên và các bộ phận liên quan, đã có sự chuẩn bị khá chu đáo từ công tác hậu cần, an ninh đến nội dung buổi diễn, hướng tới mục tiêu tạo thêm hoạt động văn hóa phong phú, phục vụ khách du lịch.
Toàn bộ nội dung chương trình và nghệ sĩ biểu diễn do Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển phụ trách. Vì thế tính chuyên nghiệp từ đạo cụ, âm thanh, ánh sáng đến nội dung biểu diễn như một chương trình nghệ thuật thực sự với quy mô nhỏ, tập trung vào đối tượng khách du lịch. Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Cao Hữu Nhạc khẳng định: “Mặc dù là buổi biểu diễn phục vụ, nhưng kết cấu chương trình và các tiết mục biểu diễn phải đáp ứng được hai tiêu chí nghệ thuật và nhu cầu hưởng thụ của du khách. Vì thế phải đặc sắc, giới thiệu được nét đặc trưng văn hóa vùng miền, của quê hương và con người Phú Yên, dân tộc Việt Nam”.
Theo dõi các buổi diễn có thể thấy, các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã mang đến những tiết mục hát, múa, hòa tấu mang đặc trưng Phú Yên khá rõ nét như: Hô hát bài chòi được sân khấu hóa; hòa tấu đàn đá, kèn đá; các bài hát về Phú Yên. Đặc biệt, du khách rất ấn tượng với tiết mục giã bạn: Hòa tấu cồng chiêng, trống đôi và múa xoan. Trong âm điệu đặc trưng của cồng chiêng rộn rã, trống đôi trầm ấm, cùng điệu múa xoan mềm mại, uyển chuyển khiến mọi người đứng lên nối tay nhau thành vòng xoan trước lúc chia tay.
Không ít các đoàn khách du lịch khi thưởng thức chương trình nghệ thuật đã tỏ ra rất thích thú vì sự đầu tư chuyên nghiệp, chỉn chu. Trong khi các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch thì rất phấn khởi, tự hào vì địa phương có một hoạt động dịch vụ văn hóa chất lượng nhưng lại hoàn toàn miễn phí, không phải mất tiền. Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch Thái Bình Dương ATP Travel (Hà Nội), cho biết, từ khi Phú Yên có máy bay lớn và tăng chuyến Hà Nội - Tuy Hòa - Hà Nội, các công ty lữ hành đã mạnh dạn đẩy tour “Hoa vàng cỏ xanh” thành tour trọng điểm và dĩ nhiên trong chương trình tour cuối tuần luôn có mục xem biểu diễn nghệ thuật dân gian ở sân Tháp Nhạn. Phản hồi của du khách về hoạt động này rất tốt”.
Nên xã hội hóa
Như đã nói, đêm biểu diễn nghệ thuật cuối tuần ở sân Tháp Nhạn được Sở VH-TT-DL giao trách nhiệm Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển phụ trách từ dàn dựng nội dung đến con người. Ông Võ Khánh Ngọc, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Phú Yên (Sở VH-TT-DL), cho biết: Mỗi đêm diễn được hỗ trợ 5 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ nguồn quỹ xúc tiến du lịch hàng năm.
Chưa có một sơ kết đánh giá về hoạt động này, tuy nhiên từ thực tế có thể thấy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách như một món ăn tinh thần miễn phí cho tất cả mọi người kể cả du khách và người dân địa phương. Ban đầu, mọi người rất hào hứng, nhưng càng mời miễn phí, càng thấy nhàm kể cả người được mời lẫn người phục vụ. Rõ ràng bên cạnh những mặt được rất lớn, rất có giá trị thì cách làm hiện nay bộc lộ những hạn chế cần sự thay đổi.
Trước hết, về nội dung chương trình và con người biểu diễn là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Điều này đã tạo ra một chương trình rất “chuẩn”. Tuy nhiên, cũng chính nó khiến cho các buổi biểu diễn trở nên rập khuôn; không gian biểu diễn thiếu sự tương tác với du khách. Về phía người xem, họ mang một tâm lý định sẵn là đi xem một buổi biểu diễn chuyên nghiệp nhưng được miễn phí. Ban đầu sẽ rất phấn khích, nhưng càng về sau, tâm lý này sẽ theo hướng nghĩ tiêu cực, cái gì miễn phí thì nên xem lại chất lượng. Hơn nữa, như đã nói, không gian, nội dung các buổi biểu diễn thường theo khuôn, chương trình định sẵn, thiếu hẳn không khí giao lưu, du khách tự thể hiện. Trong khi đó, một trong những mục tiêu mà hoạt động này hướng tới là để du khách trải nghiệm văn hóa địa phương.
Một trong những đề xuất được đưa ra để làm phong phú hơn hoạt động biểu diễn này ngay từ những ngày đầu, đó là nên xã hội hóa, thu hút các CLB, đội nhóm… có liên quan. Đây sẽ là nguồn lực dồi dào làm phong phú thêm nội dung các đêm biểu diễn. Nếu được sự hỗ trợ kinh phí ban đầu cùng với cơ chế thu tiền xem biểu diễn sẽ không khó để thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này.
Nhà báo, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, nói: “Tôi nghĩ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch là một ý tưởng hay. Nhiều nơi ở khu vực duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quảng Ngãi… họ tổ chức rất bài bản, hiệu quả. Và thực tế hoạt động này ở Phú Yên cũng đã tạo được chỗ đứng trong mắt du khách, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để hoạt động này lôi cuốn, hấp dẫn du khách hơn, nội dung, hình thức chương trình cần có sự thay đổi linh hoạt, không nên khép kín mà cần mở rộng, đa dạng về đối tượng biểu diễn. Bởi lẽ, thường du khách đến địa phương nào, họ muốn nghe, muốn xem những bài hát, điệu múa được thể hiện không chỉ bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà cái chính là họ muốn tìm hiểu, hòa mình, trải nghiệm, thể hiện văn hóa bản địa với những nghệ sĩ không chuyên. Họ muốn được học ngay và hát ngay một câu bài chòi, một câu hát ru của Phú Yên hay được cầm búa tự tay gõ vào bộ đàn đá âm vang…
Tại TP Tuy Hòa và các địa phương trong tỉnh có khá nhiều đội nhóm, CLB nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Bài chòi, Đờn ca tài tử…), ngành Văn hóa - Du lịch nên phát triển hoạt động này theo hướng xã hội hóa”.
TRẦN QUỚI