Chủ Nhật, 24/11/2024 06:50 SA
Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chủ Nhật, 16/07/2017 14:38 CH

Khách du lịch chơi teambuilding ở đồi Diều - Gành Ông (huyện Tuy An) tung lên trời những ước mơ tuổi thơ - Ảnh: TRẦN QUỚI

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi để đầu tư du lịch phát triển. Nhân chuyến công tác tại Phú Yên, TS Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã có cuộc nói chuyện với lãnh đạo các sở, ngành và các doanh nghiệp du lịch Phú Yên về quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; những điểm mới tạo điều kiện bứt phá cho ngành Du lịch thể hiện qua Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

 

 

TS Nguyễn Quốc Hưng - Ảnh: TRẦN QUỚI

Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch

 

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 khẳng định quan điểm chiến lược, xuyên suốt và thống nhất là: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

 

Thứ hai, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường. Phát triển du lịch phải là phát triển bền vững, không bất chấp mà phải đảm bảo cân bằng giữa phát triển với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 

Thứ ba, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

 

Mục tiêu phát triển du lịch mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra là rất rõ ràng và là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Qua đó thu hút từ 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

 

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt thì việc đặt ra mục tiêu cao của Nghị quyết 08 để toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Du lịch phải thực sự nỗ lực thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp hiệu quả.

 

Để thực hiện được điều này, chúng ta cần nhiều các cơ chế chính sách cụ thể, nhiều giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến các địa phương và cả doanh nghiệp và người dân. Trong đó, theo tôi một trong những vấn đề mấu chốt là cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tinh thần, quan điểm, các chỉ tiêu phát triển của Nghị quyết 08, nâng cao nhận thức một cách rõ ràng, thấu đáo cho từng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Cơ hội để bứt phá

 

Luật Du lịch đầu tiên được ban hành vào năm 2005, từ đây, hoạt động du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của ngành Du lịch, nảy sinh nhiều bất cập, thiếu sót, việc sửa đổi Luật Du lịch là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện để thúc đẩy ngành Du lịch, đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ cho du khách và tổ chức, cá nhân. Qua nhiều lần sửa đổi, lấy ý kiến, Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 và được kỳ vọng là sự bứt phá cho ngành Du lịch.

 

Trước hết, Luật Du lịch sửa đổi được bổ sung phát triển, làm rõ nhiều vấn đề nhưng về kỹ thuật được rút gọn hơn, với 9 chương và 78 điều. Đặc biệt, Luật Du lịch sửa đổi thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, là động lực cho sự phát triển kinh tế. Luật Du lịch sửa đổi lần này thể hiện được tinh thần “mở”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tất cả người dân tham gia phát triển kinh tế du lịch.

 

Luật cũng đã luật hóa những vấn đề còn tồn tại nhiều năm như: Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu du lịch và sản phẩm du lịch, các chính sách về thuế sử dụng đất, thủ tục nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp du lịch, đưa tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch, tiêu chuẩn hạng sao và công nhận hạng sao các khách sạn… tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phát triển.

 

Trong điều kiện ngành Du lịch nước ta sở hữu nhiều tiềm năng và tài nguyên du lịch, dư địa phát triển rộng, sự ra đời của Luật Du lịch sửa đổi là bước tạo đà cho sự bứt phá của ngành Du lịch Việt Nam, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Một số quy định mới của Luật Du lịch sửa đổi năm 2017

 

Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao. Sở VH-TT-DL thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1-3 sao. Sau khi đăng ký và được xếp hạng, cơ sở sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương.

 

Luật đã bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ khi phát triển các dịch vụ du lịch liên quan, đặc biệt là các dịch vụ khai thác các giá trị truyền thống như nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, y học cổ truyền, các môn thể thao dân tộc… phục vụ khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này ngoài việc đảm bảo quy định theo pháp luật của các ngành nghề liên quan, nếu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch sẽ được gắn biển nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu cho cơ sở cũng như đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

 

Hướng dẫn viên du lịch là một lực lượng lao động đông đảo, đóng vai trò quan trọng. Nhằm đảm bảo quyền lợi của hướng dẫn viên, Luật Du lịch sửa đổi quy định hướng dẫn viên phải sinh hoạt trong một tổ chức, có thể là doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp chuyên cung cấp hướng dẫn viên hay hiệp hội hướng dẫn viên. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống (từ cử nhân xuống trung cấp); sử dụng khái niệm hướng dẫn viên tại điểm thay thế cho khái niệm thuyết minh viên, bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm…

 

Luật đã bổ sung nội dung quy định về Văn phòng xúc tiến du lịch và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nhằm tạo ra một cơ hội mới cho ngành Du lịch giúp nâng cao chất lượng du lịch. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động. Luật quy định các nguồn thu, trong đó có nguồn hỗ trợ từ ngân sách, trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài…

 

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm: làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm hại tài nguyên, môi trường du lịch…

 

Luật Du lịch sửa đổi cũng nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch, quy định rõ các đối tượng và trách nhiệm cụ thể nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

 

TRẦN QUỚI (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek