Trải qua 57 năm hình thành và phát triển (9/7/1960-9/7/2017), ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với ngành du lịch các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Du lịch được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Những bước tiến vững chắc
So với các ngành kinh tế khác, Du lịch Việt Nam được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Thực tế cho thấy, từ năm 2000 đến nay, ngành Du lịch đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Với tiềm năng và thế mạnh như vậy, Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới. Cụ thể hóa điều này, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết 08 có giá trị lịch sử lớn đối với ngành Du lịch, bởi lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch và mục tiêu là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tiếp theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển du lịch được ban hành, tạo đà cho du lịch phát triển. Đó là Nghị định 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được ban hành ngày 25/1. Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/6. Thông qua Tuyên bố cao cấp APEC 2017 về du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á - Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”…
Theo TS Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, mặc dù có được những thành quả đáng khích lệ, nhưng Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; trong khi tiềm năng dư địa phát triển của ngành còn rất lớn. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…, ngành Du lịch còn nhiều việc phải làm. Trong đó ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém như: Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu… Đồng thời, ngành cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.
Ngày càng đông du khách biết và chọn Phú Yên là điểm đến trong hành trình du lịch nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Đoàn famtrip quốc tế đến Phú Yên khảo sát sản phẩm du lịch - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Xây dựng thương hiệu “Phú Yên điểm đến hấp dẫn và thân thiện”
Đối với Phú Yên, trong 5 năm trở lại đây, kinh tế du lịch có bước phát triển vượt bậc, từng bước định hình “thương hiệu” du lịch điểm đến hấp dẫn và thân thiện.
Ngoài các văn bản của Đảng, Chính phủ mở ra cơ chế chính sách cho phát triển du lịch nói chung, Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã ban hành Chương trình hành động số 05 ngày 26/4/2016 về “Đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên Phan Đình Phùng, Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành Du lịch tỉnh nhà, một sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, ưu tiên đầu tư cho du lịch trước khi muốn du lịch phát triển.
Triển khai chương trình hành động này, UBND tỉnh, ngành Du lịch Phú Yên đã cụ thể hóa bằng những kế hoạch, chương trình hành động với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, 7 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên; hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương (theo Luật Du lịch) và kết nối hình thành các tuyến du lịch với địa phương khác; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh du lịch không đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Kết quả nổi bật là năm 2016, Phú Yên đã đón gần 1,2 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước được đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp hẫn và thân thiện”. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch cũng đang đạt được những con số ấn tượng. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch Phú Yên đã đón khoảng 695.000 lượt khách, đạt 58% kế hoạch năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế 16.500 lượt, giảm 41,8% so với cùng kỳ năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 138 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với 2.837 buồng, tăng 187 buồng so cùng kỳ năm 2016; trong đó có 500 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.
TRẦN QUỚI