Bộ GT-VT vừa ban hành Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (có hiệu lực từ 1/10/2021, thay thế Thông tư 70/2015).
Trong đó, điểm mới đáng chú ý của thông tư này là kéo dài chu kỳ kiểm định lần đầu và định kỳ đối với ô tô kinh doanh vận tải chở người đến 9 chỗ so với hiện nay. Cụ thể, xe kiểm định lần đầu sẽ có chu kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với hiện nay), các chu kỳ tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng). Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với xe có thời hạn sản xuất đến 5 năm. Sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần như hiện nay.
Thông tư cũng bổ sung, quy định cụ thể hơn loại xe có chu kỳ đăng kiểm định kỳ 3 tháng/lần, gồm: ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả loại chở người trên 9 chỗ đã cải tạo giảm xuống thành chở người đến 9 chỗ); ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng); ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên.
Một điểm mới khác là thông tư mới quy định dùng mẫu tem kiểm định màu vàng cam cho xe ô tô kinh doanh vận tải, xe không kinh doanh có màu xanh, nhằm dễ nhận diện hai loại xe trên.
Thống kê cho thấy, từ năm 2019, tỉ lệ xe chở người đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải đến 5 năm kiểm định lần 1 không đạt là 6,3%, năm 2020 giảm xuống 5,9%. Mặt khác, tần suất hoạt động của loại xe này cũng giảm do xuất hiện nhiều xe hoạt động theo hình thức taxi công nghệ, trong khi trước đây chỉ có loại xe taxi truyền thống. Bên cạnh đó, việc tăng thời hạn đăng kiểm cũng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải khách bằng ô tô đến 9 chỗ.
Theo Báo Giao thông