Những năm gần đây, các cơ quan, ban ngành Phú Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Qua đó kịp thời đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân.
PBGDPL qua mạng
Để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cấp, ngành đã tăng cường ứng dụng CNTT trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đặc biệt, sau khi triển khai đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021, công tác ứng dụng CNTT vào PBGDPL ngày càng được các cơ quan, địa phương nói chung, ngành Tư pháp nói riêng chú trọng.
Theo bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, những năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức tuyên truyền PBGDPL với nhiều hình thức, nội dung đa dạng để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, Sở Tư pháp còn chủ động phối hợp đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho gần 4 triệu lượt người.
“Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố còn tích cực xây dựng trang thông tin điện tử, mở nhiều chuyên mục tuyên truyền PBGDPL, đặc biệt ứng dụng CNTT, mạng xã hội (facebook, zalo) trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó, thông tin pháp luật đến với người dân nhanh chóng, trực quan, sinh động, hiệu quả. Qua đó giúp cán bộ, doanh nghiệp, Nhân dân trong tỉnh tiếp cận, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh”, bà Hoa cho biết.
Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội trong PBGDPL được các cấp, ngành thực hiện hiệu quả với nhiều mô hình mới, sáng tạo. Thiếu tá Phạm Minh Hân, Đội trưởng Đội Pháp chế và Quản lý khoa học (Phòng Tham mưu Công an tỉnh) cho biết: Trong 10 năm qua, ngoài việc xây dựng và duy trì hoạt động 431 mô hình về tuyên truyền PBGDPL trên các lĩnh vực gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công an các đơn vị, địa phương còn xây dựng nhiều mô hình, fanpage phục vụ tuyên truyền PBGDPL thu hút hàng trăm ngàn lượt người tương tác, chia sẻ như: trang Tuổi trẻ yêu nước, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Phú Yên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh Phú Yên, Cảnh sát hình sự Phú Yên; các mô hình Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự, an toàn giao thông qua mạng facebook, Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới liên quan tỉnh Phú Yên trên mạng internet… Hàng ngàn bài viết, phóng sự tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định pháp luật về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; tình hình hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an Phú Yên... đã được đăng tải. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao tinh thần cảnh giác, cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an Phú Yên đấu tranh, khám phá nhiều chuyên án, vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xác định công tác tuyên truyền PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ Phú Yên đã tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động tuyên truyền PBGDPL, nhất là trên không gian mạng. Bà Phạm Thị Thu Huyên, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho hay: Từ khi thành lập đến nay, trang thông tin điện tử của Tỉnh hội thu hút hơn 3 triệu lượt truy cập; fanpage Phụ nữ Phú Yên mỗi tháng có khoảng 15.000 người tiếp cận. Ngoài ra, hội còn thành lập nhóm zalo cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, chủ tịch hội LHPN cấp huyện và hội LHPN các cấp. Các huyện thị, thành phố đã lập 9 trang facebook, 10 nhóm zalo cấp huyện; 100 trang facebook, trên 100 nhóm zalo cấp xã… Thông qua đó, nhiều chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời thông tin đến phụ nữ cơ sở.
Quan tâm đầu tư kinh phí, nhân lực
Trong thời kỳ công nghệ 4.0, tỉ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Việc tuyên truyền PBGDPL trên không gian mạng là hình thức tuyên truyền hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay. Nhờ ứng dụng CNTT, các địa phương, đơn vị đã tích cực đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật qua các trang thông tin điện tử cũng như tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến… tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Nhân dân tiếp cận, phổ biến thông tin pháp luật.
Trong bối cảnh CNTT phát triển như hiện nay thì việc tăng cường ứng dụng CNTT là giải pháp tất yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL ở một số ngành, đơn vị hiện nay vẫn còn chậm, chưa đồng bộ; nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến dưới dạng hình ảnh, infographic còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác PBGDPL chưa được đào tạo bài bản về CNTT để ứng dụng, thiết kế các nội dung dưới dạng hình ảnh, nên chủ yếu sử dụng nguồn tài liệu từ các trang thông tin điện tử khác nhau. Theo Sở Tư pháp, thời gian tới rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các ban ngành, địa phương đối với công tác này. Các cơ quan, tổ chức cần có sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, kinh phí, nhất là sự nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ làm công tác PBGDPL để phát huy tiềm năng, ứng dụng CNTT, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Về phần mình, Sở Tư pháp cũng sẽ chú trọng nâng cấp Trang thông tin điện tử của sở, xây dựng các sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm giới thiệu, đăng tải giới thiệu các luật, pháp luật mới ban hành; tổ chức các chương trình truyền thông, diễn đàn, các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông trong tuyên truyền PBGDPL… Qua đó, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa cho biết thêm.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kết hợp hài hòa các hình thức tuyên truyền truyền thống với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT; phát huy vai trò, hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mạng xã hội trong PBGDPL…
Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp |
NGỌC QUỲNH