* Hỏi: Tôi đăng ký kết hôn ở quê chồng tại Khánh Hòa, hiện hai vợ chồng đang sống ở Phú Yên và có với nhau 2 con. Nay tôi muốn nộp đơn xin ly hôn vậy phải nộp ở đâu, thủ tục thế nào và tôi có được quyền nuôi con không? Vì tôi là giáo viên THPT, thu nhập ổn định và thời gian chăm sóc con tốt hơn chồng tôi.
Chị N.H.T (huyện Tây Hòa)
* Trả lời:
Khoản 1, Điều 56, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
- Tình trạng vợ chồng được coi là trầm trọng khi:
+ Vợ chồng không còn yêu thương, chăm sóc, quý trọng nhau. Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau. Hoặc trường hợp vợ chồng không còn chung thủy, có quan hệ ngoại tình. Đã được người thân thích, các tổ chức nhắc nhở nhưng vẫn còn tái phạm.
+ Cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài:
Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
+ Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Thủ tục ly hôn bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn.
+ Bản sao giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu (có sao y bản chính).
+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn.
+ Bản sao giấy khai sinh của các con
+ Chứng từ tài liệu liên quan đến quyền sở hữu tài sản, giành quyền nuôi con.
Nơi nộp thủ tục ly hôn: Tòa án cấp huyện/thành phố nơi chồng bạn cư trú.
Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, khi ly hôn, hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận để bạn nuôi con vì bạn có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Nếu chồng bạn không đồng ý thì tòa án sẽ giải quyết để quyết định giao con cho bạn hoặc chồng bạn nuôi.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)