* Hỏi:
Vào lúc 1 giờ sáng 9/7, bạn tôi là lái xe của một công ty thiết bị y tế cùng 2 nhân viên kỹ thuật trong quá trình đi công tác về tới cổng công ty thì bị một nhóm đối tượng từ 4-5 người đi trên xe Mercedes 5 chỗ màu xám dùng hung khí tấn công bất ngờ. 2 nhân viên kỹ thuật chạy được còn bạn tôi là lái xe không kịp chạy nên bị các đối tượng trên hành hung. Đồng thời, bạn tôi bị một người trong nhóm đối tượng lấy toàn bộ giấy tờ tùy thân cùng tiền trong ví. Gia đình đã đưa bạn tôi đi chụp chiếu khám tổng thể tại bệnh viện và được đưa về nhà để theo dõi. Các đối tượng dùng gậy tuýp đập vào đầu bạn tôi khiến bạn tôi bị choáng và chưa tỉnh táo. Vậy bây giờ gia đình chúng tôi phải làm gì và làm như thế nào để đòi lại công bằng cho bạn tôi?
V.M.Y (phường 1, TP Tuy Hòa)
* Trả lời:
Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009 quy định:
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Theo quy định nêu trên, hành vi của nhóm đối tượng đó có căn cứ cấu thành tội cướp tài sản. Trường hợp của bạn không xác định được đối tượng hành hung, cướp tài sản là ai. Để bảo vệ quyền lợi của mình, ngay sau khi bị cướp, nạn nhân hoặc người nhà nên đến cơ quan công an gần nhất để trình báo vụ việc. Bạn có đưa thông tin cùng chuyến đi với bạn của bạn còn hai người khác nữa, hai người đó chạy được có thể nhận dạng được hung thủ. Sau khi nạn nhân trình báo vụ việc, cơ quan công an sẽ mời những người liên quan đến làm việc, nếu có thêm manh mối có khả năng bắt giữ được hung thủ đã gây án. Thông thường những đối tượng cướp giật như vậy có thể đã thuộc đối tượng truy bắt của cảnh sát. Bạn của bạn nên trình báo ngay sau khi sự việc xảy ra, đồng thời mời 2 người cùng đi làm chứng, cung cấp thêm thông tin về các đối tượng cướp tài sản trên cho cơ quan chức năng.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)