* Hỏi: Tòa án xét xử cho vợ chồng tôi ly hôn, tôi nuôi cháu bé 3 tuổi, chồng cũ có trách nhiệm đóng góp tiền nuôi dưỡng con và được quyền thăm con. Tuy nhiên anh ấy không đóng góp nuôi con mặc dù vẫn đến thăm con. Một lần, chồng cũ đến thăm con đã lén bế cháu về nhà nuôi, tôi yêu cầu trả lại con cho tôi nhưng anh ấy không trả. Xin hỏi hành vi của chồng cũ của tôi có phạm tội chiếm đoạt trẻ em hay không, nếu không thì có phạm tội gì khác không? Nếu anh ấy trả lại con nhưng vẫn cố tình không đóng góp nuôi con thì xử lý ra sao?
HOÀNG THỊ V (huyện Tuy An)
* Trả lời:
Điều 120 Bộ luật Hình sự quy định về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em như sau: “Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Hành vi chiếm đoạt trẻ em được thể hiện là hành vi dùng thủ đoạn, sức mạnh bắt trẻ em phải theo mình, không được sự đồng ý của bố mẹ, hoặc người nuôi dưỡng trẻ. Ở đây cháu bé và người mang cháu về nuôi đang có mối quan hệ cha con mà pháp luật công nhận, người cha có quyền và trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé. Như vậy trong trường hợp này hành vi của người cha không phạm tội chiếm đoạt trẻ em.
Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định về tội không chấp hành bản án “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Hành vi của tội phạm là cố tình không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, xuất phát từ tình cảm cha con mà người cha có hành vi lén lút, lợi dụng sơ hở để mang cháu bé về nuôi trong khi cháu bé được tòa án quyết định giao cho người mẹ nuôi. Sau khi chị đã yêu cầu chồng cũ trả con, nhưng anh ấy cố tình không trả lại con cho chị, chị có báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết mà anh ấy vẫn không trả lại con thì mới phạm tội không chấp hành bản án.
Việc chồng cũ không đóng góp nuôi con chung, chị có thể làm đơn gửi đến cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu giải quyết buộc cha của con chị phải đóng góp nuôi con theo quyết định của tòa án.
Luật gia LỆ HẰNG
Email: hoiluatgiatinhphuyen@gmail.com