Lãng phí đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách nhà nước, đến nguồn nhân lực, thời gian…, gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
Vì vậy, chống lãng phí cũng là “mặt trận” đầy cam go và khó khăn, không kém gì với chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh trong thời gian qua.
Có nhiều nguyên nhân gây lãng phí, có thể do cán bộ, công chức, hay tổ chức nào đó gây ra; cũng có thể xuất phát từ cơ chế, chính sách Nhà nước ban hành chưa phù hợp với thực tiễn gây ra lãng phí và rất khó xử lý. So với tham nhũng, lãng phí khó phát hiện, khó quy kết trách nhiệm. Một khi khó quy kết trách nhiệm thì sẽ dẫn đến nhiều sự việc không được giải quyết rốt ráo và qua thời gian sẽ dẫn đến hiện trạng “cha chung không ai khóc”.
Thực tế cho thấy, có nhiều trụ sở làm việc đang bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng; nhiều dự án đầu tư hàng tỉ đồng bị “treo”, hoặc chậm tiến độ trong nhiều năm, gây lãng phí lớn nguồn lực của đất nước.
Để không lãng phí thêm nữa nguồn lực của đất nước, đã đến lúc vấn đề chống lãng phí cần được nhận thức đúng đắn và có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn. Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công thuộc phạm vi, địa bàn quản lý, trên cơ sở đó báo cáo rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại. Đồng thời rà soát, thống kê toàn bộ các công trình trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu Nhà nước không sử dụng hoặc chưa sử dụng hiệu quả, nhất là các công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; đề xuất kế hoạch, biện pháp khắc phục, sắp xếp, khai thác có hiệu quả các công trình này. Huy động các nguồn lực triển khai nhanh các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu Nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước, Đảng ta rất coi trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng chống lãng phí. Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và mới nhất là bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đòi hỏi mỗi người cần nhìn nhận lại tình trạng lãng phí trong xã hội và nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nguồn lực đất nước từ những việc nhỏ nhất.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận công tác chống lãng phí ở một cấp độ mới, phải là việc làm tự nguyện, tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể; để câu chuyện lãng phí dần được đẩy lùi, đất nước có thêm điều kiện tập trung nguồn lực phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn.
NGUYỄN QUANG