Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Phú Yên phiên bản 2.0 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, dưới sự vận hành của Sở TT&TT và Viettel Phú Yên đã góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, đóng góp tích cực cho công tác chuyển đổi số tại nhiều địa phương.
UBND TP Tuy Hòa tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Phú Yên phiên bản 2.0 cho cán bộ, công chức địa phương. Ảnh: THỦY TIÊN |
Thay đổi kiến trúc hệ thống
Năm 2017, khi bắt đầu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến cho người dân, các sở, ngành căn cứ quy định từ bộ, ngành liên quan tổng hợp các TTHC trình UBND tỉnh phê duyệt để công bố trên Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến tỉnh và áp dụng giải quyết TTHC trong toàn tỉnh. Từ năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã cung cấp Hệ thống Cổng DVC quốc gia, trong đó Trang cơ sở dữ liệu TTHC quản lý tất cả TTHC của các bộ, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất, chính xác, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, liên thông từ Cổng DVC quốc gia đến Cổng DVC các tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở này, các địa phương, trong đó có Phú Yên đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và từ ngày 1/7/2024 Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Phú Yên nâng cấp lên phiên bản 2.0 (gọi tắt Cổng DVC trực tuyến 2.0).
Cổng DVC trực tuyến 2.0 sử dụng công nghệ web ASP.NET core 8.0 nên dễ dàng cài đặt, thay đổi và nâng cấp máy chủ để đáp ứng cân bằng tải; giúp cải thiện tốc độ truy cập, xử lý dữ liệu và tách, lưu trữ dữ liệu định kỳ.
Theo Sở TT&TT, với Cổng DVC trực tuyến 2.0, tất cả các hệ thống một cửa, hành chính công, dịch vụ công các huyện đều được triển khai trong một hệ thống duy nhất, công tác quản lý người dùng cũng được tập trung; đáp ứng yêu cầu hợp nhất Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, thuận lợi trong việc thực hiện liên thông hồ sơ giữa các đơn vị…
Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Huỳnh Thị Kiều Diễm cho biết: Mới đây, TP Tuy Hòa đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng số cơ bản, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Phú Yên phiên bản 2.0 và công tác an toàn, an ninh thông tin mạng năm 2024 cho lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng, ban, trung tâm, hội đoàn thể thành phố và UBND các phường, xã. Qua đó, các học viên đã được trang bị kiến thức và các kỹ năng số để nâng cao năng lực, vận dụng hiệu quả vào công việc thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đáp ứng yêu cầu
Sau gần 2 tháng sử dụng Cổng DVC trực tuyến 2.0, hệ thống này đã góp phần hỗ trợ tốt hơn cho các địa phương trong công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Chị Ngô Thị Mộng Yến, công chức UBND phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: Cổng DVC trực tuyến 2.0 có tốc độ đường truyền nhanh hơn phiên bản cũ rất nhiều, hệ thống được hoàn thiện hơn, giao diện thuận tiện, các bước thao tác thủ tục đơn giản nên người dùng dễ dàng sử dụng. Từ ngày 1/7- 10/8, các TTHC liên thông của nhóm khai sinh, khai tử bị gián đoạn do chưa liên thông với Cổng DVC quốc gia. Hiện tại 2 nhóm này đã đồng bộ trên Cổng DVC quốc gia nên việc thực hiện các TTHC trên Cổng DVC trực tuyến 2.0 đã không còn vướng mắc. Phiên bản mới giúp tiêu chí về nhóm dịch vụ công liên thông của các địa phương thực hiện được, góp phần đẩy mạnh công tác số hóa TTHC.
Ngoài ra, từ khi phiên bản 2.0 của Cổng DVC trực tuyến vận hành, toàn bộ TTHC đều được số hóa đầu vào, đầu ra nên công tác tổng hợp báo cáo đối với công chức chuyên trách TTHC rất thuận lợi. Ứng dụng nhận diện, trích xuất thông tin của hệ thống còn có thể hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhận diện, trích xuất mã số văn bản, tên tiêu đề, ngày tháng, chữ ký từ các văn bản bằng định dạng file PDF, ảnh, scan giúp việc tìm kiếm, truy xuất về sau sẽ đơn giản hơn.
Về phía người dùng, trước đây, để giải quyết TTHC trực tuyến, người dân phải tạo tài khoản dịch vụ công cá nhân trên Cổng DVC tỉnh. Nay Cổng DVC trực tuyến 2.0 kết nối trực tiếp Cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên dữ liệu thông tin của các cá nhân đã có sẵn, người dùng không cần phải tạo tài khoản riêng. Khi có nhu cầu giải quyết TTHC trực tuyến, mọi công dân chỉ cần dùng tài khoản định danh VNeID của mình để đăng nhập.
Ông Lê Việt Hà ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho hay: Trên Cổng DVC trực tuyến 2.0, tất cả hồ sơ đều chạy trên môi trường mạng, giúp mọi người dễ dàng thao tác, thanh toán, theo dõi quá trình xử lý hồ sơ trực tuyến mà không cần phải trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa như trước đây nên vô cùng thuận tiện.
Trao đổi với Giám đốc Sở TT&TT về hiệu quả bước đầu của Cổng DVC trực tuyến 2.0, bà Đào Phạm Hoàng Quyên cho biết: Thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử thông qua Cổng DVC trực tuyến 2.0 là một nhiệm vụ trong hiện đại hóa hành chính công và chuyển đổi số của tỉnh; góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với chính quyền. Cổng DVC trực tuyến 2.0 không chỉ cung cấp dịch vụ trực tuyến mà còn đồng hành với các chương trình đào tạo kỹ năng số, giúp tăng cường năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả làm việc. Sở TT&TT trong quá trình vận hành sẽ tiếp tục cải thiện Cổng DVC trực tuyến 2.0 của tỉnh để đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn và phát triển trong tương lai.
THỦY TIÊN