Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc là tăng cường giao tiếp giữa vợ chồng, dựa trên sự tôn trọng, cảm thông. Từ việc lắng nghe, thấu hiểu, nhiều người đã điều chỉnh bản thân cho phù hợp với bạn đời, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tạo không khí gia đình thêm vui vẻ.
Đàn ông không giỏi nắm bắt tâm lý phụ nữ
Một lỗi mà rất nhiều phụ nữ dù khi đang yêu hay đã kết hôn mắc phải đó là muốn người đàn ông quan tâm, chăm sóc nhưng lại ít khi nói ra. Bởi họ muốn người đàn ông đó phải tự nhìn thấy rồi quan tâm theo cách phụ nữ muốn. Thế nhưng, có một thực tế, không phải người đàn ông nào cũng đủ tinh tế để có thể hiểu được mong muốn của chị em.
Chị P.T.D (TP Tuy Hòa) có mối tình gần 10 năm mới đi đến hôn nhân. Dù vậy, khi lấy nhau về, chị vô cùng hụt hẫng vì chồng như trở thành con người khác. “Giai đoạn sinh viên, chồng tôi theo đuổi quyết liệt dù lúc đó, tôi có rất nhiều người muốn tìm hiểu. Đến khi ra trường, tôi về quê, anh ở lại TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi khi hai đứa cãi vã qua điện thoại là sáng hôm sau đã thấy anh có mặt ở Phú Yên để xuống nước, năn nỉ, làm hòa. Vậy mà, từ sau khi kết hôn và chuyển công tác về nhà, chồng tôi dành hầu hết thời gian ở bên ngoài với bạn bè, không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của vợ và có xu hướng phó mặc mọi thứ để vợ tự giải quyết”, chị D chia sẻ.
Cũng theo chị D, có lần, vợ chồng chị cãi nhau một trận to, chị D bỏ ra ngoài, cố tình đóng sầm cửa thật mạnh. Chị nghĩ chồng rồi sẽ lật đật chạy xuống, đuổi theo vợ, năn nỉ kéo vợ về hoặc ít ra cũng gọi điện thoại hỏi thử vợ ở đâu, làm gì. Nhưng chị ngồi mãi nhà người bạn mà không thấy chồng gọi. Khi thấy đã khuya, chị về nhà, mở cổng thì chỉ thấy hai con ở nhà. Hỏi bọn trẻ mới biết, mẹ vừa đi, có bạn gọi ba đi nhậu là ba thay đồ rồi đi liền. Từ bận ấy, chị D chẳng vùng vằng bỏ đi lang thang ra phố nữa vì có đi tới sáng chồng cũng chẳng quan tâm. Đổi lại chị chọn cách im lặng, sống cùng nhà với chồng nhưng ai làm gì mặc người ấy.
Có cuộc hôn nhân hơn 10 năm, chị V.T.D (TX Đông Hòa) cáng đáng hết mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Tiền của chồng kiếm được để lo xây nhà cửa nên chị D không đòi hỏi chồng đóng góp. Có điều, hơn 10 năm, nợ nần xây nhà vẫn còn; trong khi vài năm trở lại đây, công việc buôn bán ở chợ ế ẩm khiến chị D chịu nhiều áp lực kinh tế. Nhiều lần chị D than thở, giận dỗi muốn chồng chia sẻ chi phí trong gia đình nhưng chồng bảo tiền để trả nợ, không có để đóng góp. Cuộc sống giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau khiến chị D nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), nhìn ở góc độ tâm lý, phụ nữ thường có nhiều suy nghĩ phức tạp hơn đàn ông. Hầu hết chị em chú ý đến chi tiết, sống cảm xúc, quan trọng lời nói. Trong khi đó, đàn ông suy nghĩ đơn giản, thiên về hành động, nhìn mọi việc theo cách ít phức tạp nhất. Nhiều chị em muốn được chồng quan tâm, chia sẻ nhưng lại không nói ra mà muốn chồng tự hiểu, nếu chồng không hiểu theo ý mình thì đánh giá là chồng vô tâm.
Vợ phải nói, chồng mới hiểu
Xét về một khía cạnh nào đó, sự vô tâm của chồng nếu ở trong mức độ giới hạn cho phép thì cũng không phải là vấn đề quá lớn. Bởi, nhiều người vô tâm có thể xuất phát từ chính việc anh ta không biết cách thể hiện tình cảm.
Như trường hợp chị V.T.D, sau nhiều năm mệt mỏi với việc đề nghị ly hôn, chị nhận ra đồ đạc trong nhà dần hư hỏng vì chồng chị lúc cãi vã sẽ đập đổ, làm hư hại. Quyết định làm cho ra lẽ, chị D chọn lúc chồng bình tĩnh đã chia sẻ rằng, đúng là ban đầu, chính chị đề nghị sẽ lo mọi chi phí trong gia đình để tiền lương cho chồng lo trả nợ, xây nhà, nhưng chồng chỉ dùng một phần thu nhập trả nợ, còn lại bù khú với bạn bè dẫn đến nợ còn nhiều trong khi bản thân chị D phải thắt lưng buộc bụng mới đủ lo cho sinh hoạt gia đình. Chị cũng nói rõ trong giai đoạn buôn bán ế ẩm không thể tiếp tục gồng gánh mọi chi phí khi con cái đang lớn. Nếu chồng không thể thay đổi cách chi tiêu, chị D sẽ gửi con cho nội, đi vào miền Nam kiếm việc làm. Chồng chị D sau khi nắm rõ ngọn ngành tình hình của gia đình đã có những thay đổi tích cực, bắt đầu chi tiêu tiết kiệm, chia lương ra để vừa trả nợ, vừa đưa một ít cho vợ lo cho gia đình. Chị D cũng giảm được nhiều áp lực.
Sau câu chuyện này, chị D nhận ra, đàn ông có thể nhạy bén ngoài xã hội và công việc thế mạnh của mình nhưng ít khi đoán được những dỗi hờn, thái độ mặt nặng mày nhẹ hay câu nói chứa đầy sự tổn thương của chị em.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thói vô tâm không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được nên chị em cần cho người bạn đời của mình thời gian để điều chỉnh. Đổi lại, để chồng quan tâm, phụ nữ cũng cần chăm sóc người bạn đời chu đáo, chân thành. Nếu người đàn ông còn yêu vợ, thấy gia đình quan trọng thì dĩ nhiên sẽ thay đổi cho phù hợp.
Đòi hỏi tình yêu và sự nâng đỡ đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của mối quan hệ. Trong cuộc sống lứa đôi, nếu bạn không nhận được sự nâng niu chăm sóc như mong muốn, có lẽ vì bạn không lên tiếng đòi hỏi hoặc bạn đã yêu cầu không hợp cách.
Trích trong sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” của tác giả Ph. D. John Gray |
THÁI HÀ