Cùng với chủ động ban hành các kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ Sở TT&TT hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PHONG NHÃ |
Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương, thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhất là 2 nhóm dịch vụ công liên thông giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp.
Giảm thời gian, chi phí
Chỉ vài thao tác đăng nhập trên Cổng DVCTT là có tài khoản điện tử, giải quyết xong thủ tục công chứng, chị Lương Nguyễn Quỳnh Trâm (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) tâm đắc: “Tôi không ngờ nộp hồ sơ trực tuyến đơn giản, tiện lợi như vậy. Nhân đây, tôi nhờ cán bộ xã hướng dẫn cách tham gia các TTHC khác để có thể ở nhà tự làm và hỗ trợ mọi người trong gia đình thực hiện”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh cho biết: Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, thời gian qua, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng để Cổng DVCTT hoạt động ổn định, thông suốt, không xảy ra sự cố hệ thống; phối hợp Sở TT&TT tích hợp chức năng thống kê tình hình giải quyết TTHC công khai trên Trang thông tin điện tử của UBND huyện. Tất cả TTHC của huyện có yêu cầu nộp phí, lệ phí được tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCTT của tỉnh. Năm 2023, tỉ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến của huyện đạt 100%.
Còn theo Sở GTVT, thời gian qua, việc cung cấp các DVCTT toàn trình và một phần trong lĩnh vực GTVT phục vụ người dân và doanh nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, công dân. Do đó, sở tiếp tục thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, kết nối liên thông giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan trên môi trường số để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Từ ngày 15/12/2023 đến quý I/2024, số hồ sơ một phần tiếp nhận tại bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh là 3.086 hồ sơ và qua mạng là 33.892, chiếm tỉ lệ 91,65% của 108 dịch vụ có phát sinh hồ sơ; số hồ sơ toàn trình tiếp nhận tại bộ phận một cửa 1.572 hồ sơ và qua mạng là 25.284, chiếm tỉ lệ 94,15% của 162 dịch vụ có phát sinh hồ sơ. Một số cơ quan, địa phương có hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt tỉ lệ cao, như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở GTVT đạt 100%; UBND TX Đông Hòa và TX Sông Cầu đạt trên 98%... Qua đó góp phần tăng tính công khai, minh bạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về CNTT của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần gắn công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị để đảm bảo công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất. Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh. |
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy các chức năng, trường thông tin trên Cổng DVCTT tỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, người sử dụng nên còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập. Người dân vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp.
Tỉ lệ công dân nộp hồ sơ trực tuyến biết thao tác các ứng dụng DVCTT rất thấp, tính bền vững trong việc hiểu và biết sử dụng các ứng dụng dịch vụ hướng đến người dân ở nhà để thực hiện các DVCTT không cao. Cổng dịch vụ công thường xuyên xảy ra lỗi, thanh toán không thành công… gây khó khăn, chậm trễ đến quá trình xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết hồ sơ DVCTT cho người dân.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh cho biết: Giải pháp để tăng tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên ứng dụng VNeID nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính tại các đơn vị để tránh việc tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, công dân không đưa vào cổng dịch vụ công và việc xử lý hồ sơ trễ hạn trên hệ thống.
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, để nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của người dân, tổ chức, trong việc thực hiện DVCTT, các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính và giám sát quá trình cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của cải cách hành chính đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.7777777
“Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là DVCTT, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên internet; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của từng đơn vị; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp DVCTT”, đồng chí Lê Tấn Hổ đề nghị.
PHONG NHÃ