Bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm rạn nứt, thậm chí đổ vỡ gia đình. Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn để ma men chế ngự, gây ra nhiều hệ lụy.
Chồng mê nhậu
Với nhiều người, nhậu là một cách để xã giao, là dịp vui để bạn bè chia sẻ, tâm sự, kết nối. Tuy nhiên, nếu cứ tự do, không kiểm soát thì việc ăn nhậu không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, nhất là vợ và con cái.
Đối với ông N.V.H, một viên chức về hưu ở TP Tuy Hòa, uống bia rượu đãtrở thành thói quen khó bỏ. Buổi sáng, ông H thường ăn sáng ở nhà, sau đó, tầm 8 giờ ra quán gần nhà gọi vài lon bia uống. Uống hết phần đãgọi, ông H ngật ngưỡng về nhà, ăn cơm trưa lúc 1-2 giờ chiều. Nghỉ ngơi một lát, ông thông báo với vợ đi tập thể dục rồi sau đó tấp vào một quán nào đó uống cho đến đêm.
“Có đợt chồng tôi bị thoát vị đĩa đệm, chèn dây thần kinh nằm liệt mất mấy tháng, tốn nhiều tiền trị liệu đông, tây y mới đỡ. Thời gian ấy, chồng hứa nếu đi lại được sẽ bỏ bia rượu, nhưng đến khi ngồi dậy, đi đứng được là quên ngay”, bà N.T.T, vợ ông H cho biết.
Con gái đang học cấp 3 tính tình ẩm ương, con trai vừa lên cấp 2 cần cha kèm cặp, dạy dỗ nhưng anh V.T.T ngoài giờ làm việc hành chính không bao giờ có mặt ở nhà. “Ngày trước chồng tôi chạy xe máy đi nhậu. Sau này, khi cơ quan công an bắt đầu xử lý mạnh tay việc vi phạm nồng độ cồn thì chồng tôi đi xe đạp. Thấy bất tiện, anh chuyển sang đi xe ôm công nghệ. Cuối cùng, vì tốn kém quá nên chuyển sang đi bộ”, chị T.T.D, vợ anh T ở huyện Tây Hòa cho biết.
Có thể nói, một trong những vấn nạn làm tan nát hạnh phúc gia đình là tệ nhậu nhẹt quá nhiều. Bởi hiện nay, nhiều người đàn ông sau giờ làm việc thay vì về nhà để nghỉ ngơi, cùng chia sẻ việc nhà với vợ, kèm cặp con học hành thì lại rủ nhau vào quán nhậu. Mê nhậu khiến cho nhiều người trở nên vô tâm, không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình.
Chị T.T.D tâm tư: “Tôi chưa thấy chồng từ chối lời mời nhậu nào vì mỗi lần có ai gọi điện rủ thì dù đang bận gì hay con bệnh, vợ có công việc, anh ấy cũng đi ngay. Một khi chồng đã ngồi vào bàn nhậu thì vợ gọi một là không nghe máy, hai là nghe rồi bảo “15 phút nữa về”, nhưng khuya lắc khuya lơ mới đến nhà. Vợ chồng tôi đã nhiều lần cãi vã nhau vì chuyện này nhưng chồng vẫn thói nào tật ấy. Tôi cảm thấy rất chán nản, ý nghĩ ly hôn đến với tôi không biết bao nhiêu lần”.
Gây ra nhiều hệ lụy
Theo thông tin của Viện Chiến lược và chính sách y tế thì 60% số vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu bia. Trên thực tế, rất nhiều người (chủ yếu là nam giới) có hành vi bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia.
Như anh V.T.T ở câu chuyện trên, bình thường tính tình vui vẻ, hiền lành, mọi người xung quanh đều yêu mến. Nhưng khi có men trong người hễ vợ lên tiếng là động tay động chân. Một lần, sau khi anh T đập phá đồ đạc và xô ngã vợ, chị vợ không nhẫn nhịn đã dùng máy quạt đánh lại chồng. Mâu thuẫn bị đẩy lên, vợ chồng anh T sau đó đã chuyển sang ở hai tầng khác nhau sống như ly thân. Con cái ở lứa tuổi nhạy cảm, thấy ba mẹ suốt ngày gây gổ vì bia rượu càng trở nên khó dạy bảo.
Không chỉ gây mâu thuẫn trong gia đình, bia rượu còn mang lại nhiều hệ lụy đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người. Như trường hợp anh N.V.C (TP Tuy Hòa), sau một trận nhậu túy lúy với bạn bè chiến hữu tại phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) trên đường về lại nhà riêng, qua đoạn Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đã tự té do không làm chủ tay lái.
Dù không có những vết thương nguy hiểm đến tính mạng nhưng anh C bị gãy tay, rạn xương chân, hàm răng bị mất vài cái nên tiền điều trị và làm lại răng hơn 100 triệu đồng. Hôm nuôi chồng ở bệnh viện, chị T.T.B - vợ anh C bảo: “Nói là bạn thân chí cốt, chiến hữu sống chết có nhau, gọi về nhậu cho bằng được nhưng chồng tôi té xong chẳng thấy người bạn nào ra thăm hỏi. Cuối cùng cũng chỉ có vợ con là khổ”.
Thực tế đã chứng minh rằng: Bia rượu là một trong những tác nhân hàng đầu làm rạn nứt tình cảm gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn, bởi không có người vợ nào vui vẻ khi thấy chồng suốt ngày nhậu nhẹt và không có người con nào có thể tôn kính một người cha say xỉn cả ngày.
Bà Đàm Thị Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) cho biết: “Hiện nay, vấn đề nhức nhối của địa phương là nạn bạo lực gia đình. Mà bạo lực thường xảy ra lúc người chồng say rượu. Thông thường các trường hợp nghiện ngập rượu bia quậy phá gia đình, làm mất trật tự thôn xóm được địa phương tuyên truyền sau đó là răn đe, nhưng không có nhiều người bỏ nhậu. Với những người chồng nghiện nặng, đến cuối cùng, vợ vẫn phải ly hôn vì không thể sống chung”.
Bà Minh Hoa, chuyên gia tư vấn – trị liệu tâm lý 1088 TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi đối phó với chồng ham nhậu cần đợi lúc chồng tỉnh hãy chia sẻ, bày tỏ cảm xúc. Phụ thuộc vào cách sống, tính cách của chồng mà các chị vợ có thể áp dụng biện pháp phù hợp để chồng bớt nhậu. Khi người chồng không thể bỏ nhậu, lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của con cái thì phải có các quyết định dứt khoát ưu tiên cho con.
Mỗi người dân cần tuân thủ chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ năm 2020) để thay đổi dần nhận thức, thói quen sử dụng rượu bia; tiến tới giảm dần những hệ lụy do rượu bia gây ra cho gia đình, xã hội, trong đó có vấn nạn bạo hành gia đình. |
THÁI HÀ