Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vừa ban hành “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên” 2023, áp dụng trên 4 vùng biển xung quanh nước này là biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải. Trên biển Đông, lệnh cấm trong phạm vi trải dài từ vùng biển phía bắc đến 12 vĩ độ Bắc (bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Lệnh có hiệu lực từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2023. Cùng với lệnh cấm, Bắc Kinh còn điều số lượng lớn tàu ngư chính, hải giám tăng cường hoạt động trong khu vực biển Đông để kiểm soát, tịch thu tàu thuyền, trang thiết bị những tàu đánh cá mà Trung Quốc cho là vi phạm lệnh cấm của họ.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực biển Đông.
Cùng với đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có Công văn 37/HNC-VP gửi các hội nghề cá, hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển về việc phối hợp, hỗ trợ ngư dân trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc năm 2023. Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị hội nghề cá, hội thủy sản các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở NN&PTNT, các ban ngành và đoàn thể địa phương, tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất. Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân hiểu rõ về chủ quyền biển đảo Việt Nam có quyền khai thác, đồng thời không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt cá theo mô hình tổ, đội sản xuất nhằm hỗ trợ nhau trong lúc gặp nạn trên biển, giúp tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần, đánh bắt hiệu quả. Đồng thời tích cực, chủ động tham gia thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Trên thực tế, các nước đều có kế hoạch cấm đánh bắt cá hàng năm vào mùa cá sinh sản, cá đẻ và cá di cư, với thời gian và vùng cấm của mình để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ, luôn đưa ra lệnh cấm một cách phi lý và phi pháp khi cấm đánh bắt cá trong vùng biển của các nước khác trong khu vực. Với tham vọng độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích biển Đông khi đưa ra “đường 9 đoạn” hình chữ U (đường lưỡi bò) trên bản đồ của họ, cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Lệnh cấm đánh bắt đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân bao đời nay. Ngư trường này trở nên đặc biệt quan trọng với ngư dân các tỉnh miền Trung kể từ khi nghề câu cá ngừ đại dương ra đời. Phú Yên được xem là cái nôi khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Theo đó, từ năm 1994, một số ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa đã học được nghề câu cá ngừ đại dương từ tàu cá nước ngoài. Từ đó ngư dân đã tự điều chỉnh, thiết kế vàng câu (gọi là câu vàng) cá ngừ đại dương và đánh bắt ngày càng hiệu quả. Theo Sở NN&PTNT, tính đến đầu năm 2023, Phú Yên có 653 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, khai thác vùng khơi, trong đó có đánh bắt cá ngừ đại dương. Quyết tâm để nghề đánh bắt cá ngừ trở thành mũi nhọn kinh tế của Phú Yên, mới đây tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thủy sản với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) - tập đoàn nổi tiếng trong ngành công nghiệp cá ngừ. Hy vọng với sự hợp tác này, trong thời gian tới sẽ làm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành hàng cá ngừ đại dương của địa phương.
Trước các lệnh cấm phi lý mà Trung Quốc đã liên tục áp đặt trong nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam, trong đó có Phú Yên vẫn kiên cường bám biển, giữ gìn ngư trường truyền thống của đất nước, qua đó khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, góp phần đập tan mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
HUYỀN TRÂN