Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội (KT-XH).
Để triển khai hiệu quả chương trình phát triển TTLĐ, tỉnh đặt mục tiêu phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Phục hồi nhanh
Nghị quyết 06 nêu rõ, TTLĐ Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên, đóng góp quan trọng vào những thành tựu về KT-XH Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, TTLĐ nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm TTLĐ bị ảnh hưởng nặng nề; hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp. Gần 2 triệu lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật) rời khỏi TTLĐ; nhiều lao động di cư trở về quê, khiến quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển KT-XH và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, TTLĐ bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TTLĐ đã phục hồi nhanh. Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động. Trong đó có 16.650 lao động làm việc trong tỉnh, 7.850 lao động làm việc ngoài tỉnh và 500 người xuất khẩu lao động. Đồng thời hỗ trợ 4.167 người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 với số tiền hơn 11,6 tỉ đồng. Hiện nay, số lao động có việc làm tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước. Thu nhập của người lao động được cải thiện, số lượng và tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Chị Lê Thị Nga ở xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa sau một thời gian nghỉ việc, thông qua sự kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có được một công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/tháng. Chị Nga chia sẻ: Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm nhiều lao động. Tôi may mắn khi tìm được công việc ổn định với thu nhập vừa đủ, nên sẽ cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống.
Thị trường lao động đang hồi phục, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên. Ảnh: KIM CHI |
Phát triển đồng bộ
Để xây dựng và phát triển TTLĐ linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KT-XH, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ của các nước trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, phục hồi và ổn định TTLĐ…
Theo ông Nguyễn Tài Soa, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ tỉnh Phú Yên đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của chương trình là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ tỉnh với TTLĐ các tỉnh, thành phố trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Các sở, ban ngành của tỉnh đang phối hợp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, kết nối cung - cầu lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm…
“Toàn tỉnh phấn đấu, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030; duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm”, ông Nguyễn Tài Soa cho biết thêm.
Toàn tỉnh phấn đấu, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm.
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH) |
KIM CHI