Lâu nay, trong quá trình canh tác, nhiều nông dân lạm dụng phân bón hóa học, khiến đất ngày càng bạc màu, cằn cỗi. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên sử dụng phân bò để bồi bổ dinh dưỡng cho đất, bảo vệ môi trường.
Bón vụ này tốt đến 3 vụ sau
Ông Nguyễn Văn Tính ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) dùng xe rùa đẩy phân bò ra đổ đống trên đám đất gò phía sau nhà rồi dùng xẻng xúc vãi đen đất. Ông Tính nói: Đất ở đây bón lót phân bò mới tơi xốp, mới tốt được. Trước đây phân bò có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Khi xảy ra dịch COVID-19, xe tải cấm vận chuyển nên tôi sử dụng phân bò bón cho đất. Bón lót mùa đầu, phân thấm dần đất tốt đến 3 vụ sau. Từ đó, tôi không bán phân bò nữa mà để bồi bổ cho đất.
Ông Tính chỉ đám đất gò bên cạnh nói: Đám đất này của chủ khác, tôi để ý vụ nào họ cũng vãi cả bao phân urê. Phân urê thì tăng giá, trước 600.000 đồng, nay trên 1 triệu đồng/bao, trong khi đó giá sắn, mía không tăng, rồi công cày bừa nữa, tính ra cuối vụ phủi tay về không.
Tuy nhiên, hiện nay ít ai nghĩ được như ông Tính. Mới đây, bà Nguyễn Thị Hương cũng ở xã An Lĩnh kêu bán 80 bao phân bò (tương đương 2,5 tấn), với giá 3.000 đồng/bao. Số tiền này mua lại chưa được nửa bao phân urê. Kinh nghiệm của bà con nông dân đối với 1 sào ruộng gò, bón lót 1 tấn phân bò thì về sau chỉ bón ít phân kali hoặc NPK chứ không phải đội cả thúng phân urê đổ xuống nữa. Tính ra 1 sào đất bón phân bò thì mỗi năm giảm chi phí gần 1 triệu đồng so với bón phân hóa học.
Không chỉ nông dân ở huyện Tuy An, mà người chăn nuôi ở huyện Đồng Xuân cũng ít người tận dụng bón phân bò cho đất mà chủ yếu bán cho chủ xe tải là đại lý chở đi các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai bán lại cho người trồng cà phê, thanh long. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết: Gia đình tôi cũng làm nông, thấy nông dân mình bán phân bò mà tiếc. Bán sạch chuồng mà trên ruộng nhà mình không có chút phân bò thấm xuống đất. Các cánh đồng trước đây màu mỡ giờ trở thành đất da beo. Còn các vùng gò đồi từ Xuân Quang 3 đến Xuân Phước, đất đồi tơi xốp trở thành đất sạn cốm chai cứng. “Đất không được bón phân bò, ngoài diện tích vùng trũng hằng năm được phù sa bồi đắp thì phần ruộng và khu gò đồi cao hơn đang kiệt sức, trồng sắn hay mía đều lớn không nổi”, ông Long nói.
Phân bò tập kết ven đường ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) chờ bán cho các đại lý, chủ xe tải. Ảnh: LÊ TRÂM |
Lấy lại “sức” cho đất
Từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều người ở địa phương khác đến các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa… vào tận chuồng đặt hàng mua phân bò. Người nuôi bò nhốt trong chuồng rồi cắt cỏ gánh về cho ăn, không lùa chăn thả, để tận dụng hết phân bán cho những người làm đại lý thu mua. Dọc các tuyến đường từ Hòa Mỹ Đông đến Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), phân bò được vào bao chất ven đường chờ xe tải đến chở.
Ông Phan Văn Nghĩa, một người đi mua phân bò ở huyện Tây Hòa cho hay: Nhà có xe tải nên tôi làm đại lý thu mua phân bò chở đi nơi khác bán lại. Phân bò hiện nay rất đủ chất. Không như trước kia, bò cho ăn cỏ, rơm rạ, nay nhiều người nấu cháo nuôi bò. Nồi cháo nấu từ cám, chuối cây, rau muống, gạo và pha vào ít thức ăn cám công nghiệp. Khi bò thải ra, ủ phân hoai đem bón cây xanh tốt, ít sâu bệnh nên người trồng cà phê, thanh long rất mê.
Theo ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, người dân nuôi bò lấy phân đem bán mà không vãi ruộng, đó là thiếu sót rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Bởi lạm dụng phân hóa học, đất thoái hóa, dẫn đến sâu bệnh phát triển, gây hại. Phòng chống sâu hại phải dùng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ, không chỉ tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng phân bò để lấy lại “sức” cho đất.
Theo Sở NN-PTNT, đàn bò toàn tỉnh có 176.400 con, đây là nguồn phân bón dồi dào cho cây trồng. Ngành Nông nghiệp triển khai chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Lâu nay, việc lạm dụng phân bón hóa học, nhất là phân u rê làm cho đất thoái hóa, dẫn đến sâu bệnh phát triển, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cho đất ngày càng trở nên bạc màu, cằn cỗi. Chiến lược của Bộ NN-PTNT triển khai là sản xuất theo hướng hữu cơ nên chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ, trong đó có phân chuồng, phân xanh, chế phẩm sinh học để cải tạo đất. Đây là chiến lược lâu dài của ngành Nông nghiệp. Do đó, việc bà con nông dân sử dụng phân bò sẽ giúp cải tạo, lấy lại “sức” cho đất, bảo vệ cây trồng và hướng đến hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững.
Người dân nuôi bò lấy phân đem bán mà không vãi ruộng, đó là thiếu sót rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Bởi lạm dụng phân hóa học, đất thoái hóa, dẫn đến sâu bệnh phát triển, gây hại. Phòng chống sâu hại phải dùng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ, không chỉ tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường.
Ông Đào Văn Roa, Phó phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa |
TRÂM TRÂN