Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều tổ tự quản ở cộng đồng với các mô hình về an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế… Sau một thời gian đi vào hoạt động, các tổ tự quản cho thấy sự hiệu quả trong việc góp phần phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Cùng xây, cùng quản và cùng thụ hưởng
Cuối năm 2021, thực hiện đề án 01-ĐA/TU ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Tuy Hòa về thực hiện mô hình Đoạn đường, hẻm phố, khu dân cư tự quản giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy xã Hòa Kiến đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện mô hình này với tên gọi mô hình Đoạn đường, khu dân cư tự quản giai đoạn 2021-2025 gồm 30 thành viên. Đầu năm 2022, ban chỉ đạo tổ chức cho 8 khu dân cư trên địa bàn xã đăng ký thực hiện mô hình với tổng chiều dài 4.730m và 462 hộ sinh sống.
Ông Nguyễn Minh Su, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Kiến cho biết: Việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của mô hình Đoạn đường, khu dân cư tự quản ở khu dân cư theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai. Hiện nay, trên địa bàn xã đã cắm 14 bảng mô hình trên các đoạn đường thực hiện mô hình. Nét khác biệt của mô hình tự quản này là tính toàn diện.
Theo ông Su, những gia đình tham gia mô hình phải cam kết thực hiện đúng tiêu chí về đoạn đường tự quản, khu dân cư tự quản như đảm bảo an toàn trật tự giao thông; bỏ rác đúng vị trí, đúng giờ theo quy định; không xả nước sinh hoạt ra đường; trồng và bảo vệ cây xanh hai bên đường; thắp sáng đoạn đường; đảm bảo đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng…
Chỉ sau vài tháng triển khai mô hình, nhìn đoạn đường tự quản đi vào thôn Tường Quang của xã Hòa Kiến với hai bên đường bê tông đều được trồng hoa, cây cảnh, ai cũng trầm trồ vì sự sạch đẹp. Cứ cuối ngày, cuối tuần, người dân trong thôn dành thời gian quét dọn đường sá, chăm sóc con đường hoa. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân nơi đây cho biết: Lúc trước, đoạn đường này chỉ trồng hoa được một bên. Nay thực hiện đoạn đường tự quản, bà con tiếp tục trồng thêm hoa bên đường còn lại. Ngoài ra, chúng tôi còn cam kết thực hiện tốt các tiêu chí mà mô hình Đoạn đường, khu dân cư tự quản đề ra. Từ đó khơi dậy ý thức tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh tại nơi mình sinh sống.
Tương tự, tại 2 thôn Ngọc Phong và Minh Đức của xã này, người dân phấn khởi khi tình trạng xả, thải nước sinh hoạt ra đường đã chấm dứt. Ông Trần Don, Tổ trưởng tổ tự quản thôn Minh Đức cho hay: Thực hiện mô hình Đoạn đường, khu dân cư tự quản, bà con có trách nhiệm hơn trong xây dựng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Mô hình tự quản như cánh tay nối dài, là nền tảng để xây dựng, củng cố thực hiện phương châm tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và tự hòa giải. Từ đó, người dân tự giác, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh, từ việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia.
Đoạn đường tự quản ở thôn Tường Quang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) được người dân trồng hoa và quản lý nên luôn sạch đẹp. Ảnh: THÚY HẰNG |
Đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh xây dựng, nhân rộng, phát triển các mô hình tự quản trong Nhân dân. Hoạt động của các mô hình ngày càng đa dạng về hình thức tổ chức, huy động được sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của các tầng lớp Nhân dân đóng góp thiết thực vào đời sống tại cộng đồng dân cư.
Hiện toàn tỉnh có 1.167 mô hình tự quản; trong đó, ở thôn, buôn có 974 mô hình, ở khu phố có 193 mô hình. Hầu hết mô hình tự quản do ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số ngành liên quan phối hợp thực hiện. Các khu dân cư xây dựng mô hình tự quản thường gắn với thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, nhìn chung, các mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp... Hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng như: Tuyến đường hai không “Không rác, không lấn chiếm lòng, lề đường”; Tuyến đường an toàn giao thông; Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp; Đoạn đường đảm bảo an toàn giao thông; Không rác thải nhựa; Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp; Camera an ninh; Con đường thanh niên tự quản; Giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Trên lĩnh vực an ninh trật tự, các mô hình tự quản đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong quần chúng Nhân dân, ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, hoạt động của các mô hình tự quản hiện nay còn chồng chéo, trùng lắp về nội dung. Chẳng hạn như cùng nội dung bảo vệ môi trường nhưng có nhiều mô hình như: Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, Tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường; Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp…; nội dung về đảm bảo an ninh trật tự thì có Khu dân cư tự quản đảm bảo an ninh trật tự, Camera an ninh, Khu dân cư an toàn an ninh trật tự… Có thể nói dù việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề là làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản thì vẫn cần các cấp chính quyền, đoàn thể có giải pháp, phương án định hướng phù hợp nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp về mô hình, đối tượng vận động.
Từ kinh nghiệm xây dựng mô hình tự quản tại cộng đồng, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa tính cộng đồng xã hội, cùng nhau tự chủ, tự quản từ việc của mỗi gia đình đến những việc chung của cộng đồng. Đây là cách làm hiệu quả để huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban MTTQ phát động.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh |
THÚY HẰNG