Thứ Bảy, 23/11/2024 21:40 CH
Giám sát cộng đồng để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân
Chủ Nhật, 10/07/2022 08:00 SA

Quang cảnh hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác cho lực lượng ban TTND, ban GSĐTCĐ do Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức tại huyện Tây Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG

Góp phần chung vào nâng cao hiệu lực thực hiện nhiệm vụ giám sát của MTTQ trong thời gian qua phải kể tới vai trò hoạt động của ban thanh tra Nhân dân (TTND), ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Hoạt động của lực lượng này luôn hướng đến những vấn đề, lĩnh vực được Nhân dân quan tâm. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý cho phù hợp, góp phần giữ vững ổn định ngay từ cơ sở.

 

Tai mắt của chính quyền, người dân

 

Hơn 10 năm với vai trò Phó Trưởng ban TTND thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), đồng thời cũng là một trong những thành viên của ban GSĐTCĐ, ông Nguyễn Khánh không nhớ hết những công việc mình đã làm. Ông chỉ biết rằng, khi được bà con tín nhiệm làm công việc này thì ông nỗ lực hết sức. Ông Khánh cho hay: Tính chất hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ là hoạt động giám sát không mang tính quyền lực; không trực tiếp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý, do vậy tính hiệu lực phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu không có chúng tôi thì những việc làm chưa đúng sẽ khó phát hiện ra. Ông Khánh đơn cử: Năm 2018-2019, Nhà Văn hóa khu phố 3, thị trấn Hai Riêng được xây dựng. Trong quá trình xây dựng, ban GSĐTCĐ của khu phố phát hiện nhà thầu thực hiện không đúng quy định về sắt như thiết kế. Chúng tôi đã trao đổi ngay với chủ đầu tư, nhờ đó sự việc này kịp thời được khắc phục, đảm bảo chất lượng công trình.

 

Tại xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), ban GSĐTCĐ được thành lập mỗi khi có các công trình, dự án triển khai. Thành viên của ban là những người có uy tín ở khu dân cư. Bà Đào Thị Nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Trưởng ban TTND xã Hòa Thịnh, cho hay: Ban GSĐTCĐ không chỉ thực hiện giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn mà còn giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người dân, nhất là trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn như giá đền bù, kiểm đếm cây cối, hoa màu, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ, chất lượng công trình. Các thành viên của ban được phân công thường xuyên có mặt tại công trình để thực hiện giám sát việc thi công đúng với thiết kế, chất lượng nguyên vật liệu, tiến độ thi công... Trong quá trình giám sát hoặc thông qua phản ánh của người dân, các thành viên ban giám sát sẽ phản ánh, yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình…

 

Ở mỗi xã, phường, thị trấn, việc thành lập, duy trì hoạt động, số lượng thành viên ban GSĐTCĐ có thể khác nhau nhưng đều thực hiện đúng quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và các quy định pháp luật, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, mang lại hiệu quả trong công tác giám sát đầu tư tại cơ sở. Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho hay: Công trình ở đâu sẽ có ban GSĐTCĐ ở đó. Chẳng hạn xã Sơn Long được UBND huyện chọn triển khai mô hình trồng cây mắc ca. Ban đầu, có hơn 30 hộ đăng ký trồng 44ha cây mắc ca. Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, kiểm tra của ban TTND, ban GSĐTCĐ thì chỉ có khoảng 27ha có thể trồng loại cây này.

 

Bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ tỉnh) trao đổi với các thành viên ban TTND, ban GSĐTCĐ về công tác giám sát tại cơ sở. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội

 

Toàn tỉnh hiện có 110 ban TTND, với tổng số 793 thành viên và 122 ban GSĐTCĐ, với tổng số 737 thành viên. Những năm qua, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành liên quan hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban này. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, được dư luận xã hội quan tâm như: Việc sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân… Để phát huy vai trò của ban TTND, ban GSĐTCĐ, hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đều kiện toàn, hướng dẫn hoạt động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên.

 

Được coi là một kênh chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội của người dân, song hoạt động của các ban này cũng còn không ít khó khăn rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp.

 

Ông Nguyễn Khánh nói: Nội dung giám sát của ban TTND, ban GSĐTCĐ trải rộng trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở, trong khi đó các thành viên của ban TTND và ban GSĐTCĐ hầu hết đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn đối với một số nội dung giám sát (đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản) nên hiệu quả giám sát các công trình còn hạn chế. Sự chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của MTTQ, UBND cấp xã, dẫn đến còn thụ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát ở cơ sở; chế độ thù lao còn thấp, kinh phí hỗ trợ hoạt động chưa bảo đảm (5 triệu đồng/năm)… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới ban TTND, ban GSĐTCĐ ở cơ sở.

 

Còn ông La Chí Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa, nói: Hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ đã góp phần thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò làm chủ của người dân; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ; củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần, giữ vững an ninh, trật tự tại các địa phương. Tuy nhiên, do năng lực còn hạn chế nên ban GSĐTCĐ chỉ có thể giám sát các công trình, dự án nhỏ và cũng chỉ có thể giám sát tổng thể bên ngoài, chứ chưa thể giám sát chuyên sâu. Hy vọng, thời gian tới, MTTQ tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên mặt trận cũng như các ban TTND, GSĐTCĐ được trau dồi thêm nghiệp vụ trong công tác thanh tra, giám sát, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của các địa phương, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng ở những nơi được thụ hưởng dự án.

 

6 tháng đầu năm 2022, ban TTND đã tổ chức giám sát 92 cuộc, chủ yếu giám sát các công trình phúc lợi xã hội ở các địa phương, hoạt động của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức và kiến nghị xử lý 4 trường hợp sai phạm, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 4 trường hợp; các ban GSĐTCĐ đã giám sát 162 cuộc, chủ yếu là các công trình đầu tư trực tiếp cho xã như nhà văn hóa thôn, hệ thống kênh mương nội đồng…, đã kiến nghị xử lý 2 dự án có vi phạm, được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý giải quyết 2 vụ việc, thu hồi 260,5 triệu đồng.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek