Sáng 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa) và các bộ, ngành để ứng phó với áp thấp gây mưa, gió mạnh; đánh giá tình hình thiệt hại và biện pháp khắc phục khẩn cấp. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế báo cáo tình hình thiệt hại ở Phú Yên tại cuộc họp. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Cuộc họp đã dành nhiều thời gian để phân tích tính bất thường của đợt mưa lũ này. Đợt mưa lớn phổ biến từ 100-200mm, kèm theo giông lốc, gió giật mạnh trong 3 ngày qua là điều hiếm gặp và bất thường. Do đó, gây thiệt hại rất lớn, nặng nhất là tỉnh Phú Yên. Thống kê sơ bộ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có 2 người mất tích; hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập do giông lốc; 176 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; khoảng 2.500 ô lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng chục nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng… Các địa phương và người dân đang bắt tay vào việc khắc phục hậu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết, tính đến 6 giờ 30, ngày 1/4, Phú Yên có 2 người mất tích (ở huyện Tuy An); 12 căn nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng (2 nhà sập 100%); một trường tiểu học bị tốc mái hư hỏng dưới 50%. Đối với lúa vụ đông xuân bị ngập nước, ngã đổ khoảng 13.485ha; có 292ha hoa màu và các loại cây trồng khác bị ngã đổ; có 92 tàu thuyền bị chìm. Về nuôi trồng thủy sản, khoảng 2.450 lồng với 619.000 con tôm hùm ươm bị thiệt hại, hư hỏng, trôi dạt… Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính sơ bộ hơn 171 tỉ đồng.
Tỉnh đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về diễn biến mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển, ngập lụt, sạt lở đất, chủ động các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản; hướng dẫn, vận động nhân dân thu hoạch sớm lúa vụ đông xuân đến giai đoạn thu hoạch; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển khi có mưa lũ lớn xảy ra và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu, các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; triển khai các phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các địa phương triển khai ngay các giải pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn. Trong đó, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, cùng nhân dân khắc phục hậu quả; căn cứ các quy định, tiến hành hỗ trợ thiệt hại cho người dân một cách kịp thời, minh bạch, chính xác.
TRUNG HIẾU