Không chỉ ruộng lúa mà vùng gò đồi trồng hoa màu, nông dân cũng phun thuốc phòng trừ sâu bọ, ngăn ngừa cỏ dại. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không chỉ khiến dư lượng thuốc này tồn dư, gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí sản xuất, mà còn khiến đất đai ngày càng bạc màu, cằn cỗi.
Đất đai cằn cỗi
Trên tuyến đường đi qua thôn Lãnh Cao (xã Xuân Lãnh), dù tôi đã đeo khẩu trang để phòng COVID-19 nhưng mùi thuốc BVTV từ những ruộng dưa vẫn xộc thẳng vào mũi, nồng nặc.
Ông Bùi Văn Hùng, một nông dân 44 tuổi mang sau lưng chiếc bình loại 20 lít đi khắp đám dưa phun thuốc sâu. Không kính, không quần áo bảo hộ, không có khẩu trang, phía trước mặt người đàn ông này những luồng hơi độc đang phun ra mù mịt từ đầu vòi bơm. Trên đường trở về nhà, ông Hùng chia sẻ: Dưa giai đoạn phân nhánh sâu bọ rất nhiều nên phải phun thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối. Đeo khẩu trang bị ngạt thở nên tôi không đeo. Phun xong rồi thì nghỉ chừng 3-5 ngày, hễ thấy có sâu bọ tôi lại phun tiếp.
Dọc tuyến đường từ thôn Phong Thái lên thôn Phong Hậu (xã An Lĩnh, huyện Tuy An), những đám chồi non khô trắng lá, hỏi một người đang trồng chuối gần đó thì được biết, chủ đám đất phun thuốc phá hoang. Đó là loại thuốc lưu dẫn phun diệt cỏ dại, chồi non. Thuốc này phun đến đâu cây cỏ cháy đến đó, mùa mưa mà cây vẫn khô, lá chết cháy.
Ông Nguyễn Văn Lý ở thôn Phong Thái thổ lộ: Đám đất gò cỏ dại mọc dày, tôi đem thuốc lưu dẫn phun, cách tuần sau cỏ chết rục luôn cả gốc. Cây cỏ khó phá hoang, nhất là cỏ tranh nhưng khi phun thuốc này tranh khô như có người đổ nước sôi lên. Vùng này ai cũng phun thuốc lưu dẫn cho cỏ rục, chứ không ai bỏ công làm cỏ, phạt chồi. Tuy nhiên, đám nào phun thuốc thì đất rất xấu. Năm rồi tôi sạ lúa vụ mùa, cây lúa 7 ngày tuổi mà thân cây chỉ bằng chân nhang, lá vàng úa, vãi cả thúng phân mới xanh.
Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe
Không chỉ nông dân ở miền núi lạm dụng thuốc BVTV mà nông dân nhiều xã đồng bằng cũng phun các loại thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn có độ độc cao. Ông Nguyễn Văn Trung ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) đang mang bình phun thuốc cho hay: Đám đất nhà tôi cạnh mương nước, cây mắc cỡ và các loại cỏ dại mọc tràn lan. Tôi phun thuốc cháy để diệt chúng rồi cày trồng cỏ voi nuôi bò. Thuốc này rất mạnh, có đám đất sau khi phun, cỏ dại “cháy” như vừa đốt.
Ông Trung phun xong thì lại chỗ mương nước súc bình đổ ra kênh mương. Mấy con cá nhỏ đang bơi trồi đầu lên mặt nước, nằm ngửa bụng ngắc ngư. Trong khi tay ông không hề mang găng tay bảo hộ.
Dọc theo bờ mương cánh đồng xã Hòa Mỹ Tây qua xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), vỏ, chai, lọ thuốc trừ cỏ, trừ đạo ôn và ngăn ngừa sâu bệnh hại nổi lềnh bềnh trên nước và nằm đầy trên bờ ruộng. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, các loại thuốc BVTV không chỉ có mùi hôi nồng nặc, mà còn độc tính cao. Nếu không quản lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, dễ khiến gia súc và người bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
“Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường đã khiến tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thuốc BVTV tăng lên. Trong đó, thuốc cỏ cháy có độ độc thuộc nhóm 2, còn thuốc lưu dẫn thuộc nhóm 3. Việc nông dân lạm dụng những loại thuốc này không chỉ khiến dư lượng thuốc BVTV tồn dư, gây ô nhiễm môi trường, khiến đất đai ngày càng bạc màu, cằn cỗi, cây trồng ngày càng nhiều sâu bệnh, mà còn gây ngộ độc cho nông dân khi phun thuốc”, ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên cho biết.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, các loại thuốc BVTV không chỉ mùi hôi nồng nặc, mà còn độc tính cao. Nếu không quản lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, dễ khiến gia súc và người bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. |
MẠNH LÊ TRÂM