Sáng 28/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tổ chức Hội thảo quốc tế về “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam".
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của trên 100 đại biểu quốc tế và trong nước.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết của các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam về quá trình xây dựng, triển khai các Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trên thế giới, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho Việt Nam để triển khai các kết quả dấu ấn đạt được trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021 cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới và phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), cho biết hội thảo lần này là rất cần thiết để củng cố các cơ chế và khuôn khổ chính sách nhằm thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Ông Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh những chủ trương, chính sách nhất quán và thành tựu tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; đặc biệt là thông qua nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021 và tiến trình hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
“Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được xây dựng và triển khai tại 98 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Không phải là văn bản pháp lý có tính ràng buộc, nhưng các chương trình hành động này giúp gắn kết, định hướng và điều phối các nỗ lực ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các tiến trình hòa bình. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu về chương trình hành động quốc gia mở ra hướng đi mới nhằm tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò tích cực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và Phụ nữ, Hòa bình và An ninh nói riêng", ông Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng kinh nghiệm, thực tiễn phong phú về xây dựng, triển khai các chương trình hành động quốc gia trên thế giới sẽ giúp gắn kết, định hướng và điều phối các nỗ lực ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các tiến trình hòa bình, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội.
Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định việc Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiến hành nghiên cứu về chương trình hành động quốc gia sẽ mở ra hướng đi mới nhằm tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoàn thiện khung thể chế và pháp lý, phát huy vai trò tích cực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và phụ nữ, hòa bình và an ninh nói riêng.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho rằng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh có thể là một công cụ bổ trợ mạnh mẽ cho những nỗ lực hiện tại của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo bà Rana Flowers, Chương trình hành động quốc gia sẽ giúp tăng cường sự quan tâm và hành động đối với nhiều nhu cầu an ninh của phụ nữ Việt Nam, bao gồm việc đối phó với những thách thức đang nổi lên như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao vai trò đi đầu của Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, đảm bảo hiệu quả việc bảo vệ nhân đạo đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột và khủng hoảng, bà Rana Flowers cho biết hiện Việt Nam đã triển khai 75 quân nhân, trong đó có 15 nữ quân nhân đến Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi. Trong tất cả các hoạt động triển khai dự phòng, Việt Nam đã duy trì mức độ tham gia đáng khích lệ của phụ nữ từ 16-20%.
Bà Rana Flowers cho rằng hòa bình và an ninh chỉ có thể có được, duy trì được nếu phụ nữ và trẻ em gái được tham gia đầy đủ, đồng thời tiếp cận các cơ hội về phát triển, nguồn lực và sự bảo vệ theo hướng bình đẳng. Cùng với đó, việc lồng ghép quan điểm bình đẳng giới vào các tiến trình hòa bình là rất quan trọng nhằm đàm phán và đối thoại hoạch định chính sách hiệu quả hơn, tiến tới một thế giới bình đẳng hơn.
Bên cạnh đó, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, cho biết việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xác định các ưu tiên và cơ hội trong tương lai. Đồng thời, đồng bộ hóa các chính sách liên quan và tạo sự gắn kết giữa các chiến lược quốc gia như Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bà Elisa Fernandez Saenz khẳng định Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc khác, sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong quá trình này.
Các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận một số nội dung về Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh như thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các Chương trình hành động quốc gia; khuyến nghị về khả năng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đối với Việt Nam; các bước triển khai tiếp theo của Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh...
Phụ nữ, Hòa bình và An ninh là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Là quốc gia từng trải qua chiến tranh, có nhiều kinh nghiệm trong tái thiết hậu xung đột và có nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đề cao quyền phụ nữ, Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả" (tháng 12/2020) và Hội thảo quốc tế về "Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các Chương trình hành động quốc gia" (tháng 11/2021).
Theo TTXVN/Vietnam+