Truyền thông là một trong những công tác quan trọng nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE).
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: KIM CHI |
QTGCTE bao gồm quyền được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp.
Truyền thông trực tiếp và trực tuyến
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về các chính sách hỗ trợ trẻ em, đảm bảo QTGCTE trong đại dịch được tăng cường thông qua việc xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông. Các chiến dịch truyền thông online cũng được triển khai mạnh mẽ. Các hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội… Nhờ đó, trẻ em được ưu tiên chăm sóc tốt hơn.
Bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên viên Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Hàng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông về Luật Trẻ em, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; chương trình thúc đẩy QTGCTE vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016-2020 của Trung ương và địa phương. Tập trung tuyên truyền trong các đợt cao điểm: Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu. Đơn vị cũng tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan như: băng rôn, pa nô, áp phích... nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện QTGCTE.
Còn theo ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên: Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông về QTGCTE, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phổ biến các quyền cơ bản của trẻ em, Luật Trẻ em, các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em… cho người chăm sóc trẻ và trẻ em ở các địa phương, trường học. Qua đó nâng cao nhận thức của trẻ em và người chăm sóc trẻ hiểu hơn về quyền của trẻ em.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân, cho biết: Phòng thường xuyên nhắc nhở các trường đẩy mạnh công tác truyền thông về QTGCTE trong nhà trường, thông qua hoạt động giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kỹ năng sống… Đồng thời truyền thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề, các chương trình phát thanh trường học…
Chú trọng kỹ năng thực hiện QTGCTE
Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), với mục tiêu bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đơn vị sẽ tham mưu tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và kiêm nhiệm; đội ngũ cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp, bảo vệ trẻ em và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Đồng thời tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đa dạng sản phẩm và các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Chú trọng truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em; chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính; bảo vệ trẻ em trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy QTGCTE vào các vấn đề của trẻ em.
Phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về QTGCTE vào các vấn đề về trẻ em. Xây dựng, hướng dẫn, thực hiện, phát triển mô hình đối thoại học đường để thúc đẩy QTGCTE và mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, năng lực, sự phát triển của trẻ em.
Với mục tiêu bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đơn vị sẽ tham mưu tỉnh tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới |
KIM CHI