Từ năm 2009, Phú Yên đã đạt mức sinh thay thế và duy trì kết quả trong 13 năm qua. Điều này tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho địa phương.
Những kết quả tích cực
Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh có mức sinh cao, chiếm hơn 41% dân số cả nước; 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước. Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19 %, trong đó Phú Yên đang ở trong nhóm 9 tỉnh thành có mức sinh thay thế. Từ năm 2009 đến nay, Phú Yên đạt mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,96 con và đang trong giai đoạn bước vào cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cân nặng/dưới 5 tuổi và tỉ lệ tử vong bà mẹ giảm, tuổi thọ trung bình tăng (73,5 tuổi). Theo thống kê sơ bộ vào năm 2020, tổng tỉ suất sinh của tỉnh là 2,09 con. Để đạt được kết quả này, tỉnh Phú Yên nói chung và ngành Dân số nói riêng đã rất nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ, phấn đấu đạt và duy trì giảm sinh vững chắc để ổn định quy mô dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho địa phương. Tỉ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, trong năm 2021: 9,14%.
Năm qua, thông qua chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số của Chi cục DS-KHHGĐ triển khai tại 31 xã đã có 95% các cặp vợ chồng, nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, quyền và trách nhiệm trong việc sinh đủ 2 con và nuôi dạy cho tốt, hệ lụy của mức sinh cao, lợi ích của việc thực hiện các biện pháp tránh thai góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Dừng ở 2 con để nuôi, dạy cho tốt” phấn đấu duy trì tốt mức sinh thay thế của tỉnh hiện đạt được. Kết thúc đợt chiến dịch cùng với việc cung cấp dịch vụ thường xuyên tại các địa phương cơ bản đã thực hiện đạt 80% chỉ tiêu về số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 2021.
Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng dân số, tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi về KHHGĐ để đảm bảo mức sinh ổn định, các mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”, các nam nữ thanh niên ở các xã miền núi được tư vấn, cung cấp thông tin trước khi kết hôn, có đủ kiến thức làm cha, mẹ; góp phần hạn chế và ngăn chặn nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, việc sinh nhiều con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chuyển biến tích cực. Mí Len ở thôn Suối Biểu (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) thổ lộ: “Sinh nhiều con cực lắm, nhà không đủ gạo ăn, con cái không được học hành nên vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt”. Còn chị Lê Mo Thị Dinh ở thôn Tân Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) thì cười nói: “Sinh đông con, nhưng đất rẫy không thể “sinh” thêm, cực lắm! Vợ chồng tôi chỉ sinh hai con thôi. Nhờ sinh con đúng chính sách dân số, vợ chồng tôi còn được hỗ trợ tiền theo Nghị định 39/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Vợ chồng tôi vui lắm!”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác DS-KHHGĐ hiện nay ở Phú Yên còn nhiều khó khăn và thách thức như: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (109 bé trai/100 bé gái); việc chênh lệch mức sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, thành phố; chưa phát huy hết lợi thế của thời kỳ dân số vàng, tình trạng quan hệ tình dục sớm, phá thai không an toàn ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng...
Giải pháp
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) đến năm 2030, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các sở, ban, ngành và địa phương có trách nhiệm tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác dân số trong tình hình mới”, đảm bảo thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con để nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên cung cấp thông tin mới, có chất lượng về các vấn đề quy mô dân số và mức sinh đến lãnh đạo các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng, đưa nội dung điều chỉnh mức sinh đến lãnh đạo các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng; phối hợp tuyên truyền dân số trong tình hình mới với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, vận động phù hợp từng vùng, từng nhóm đối tượng triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng bảo đảm các cơ sở y tế tuyến huyện cung cấp được tất cả dịch vụ KHHGĐ, các cơ sở y tế tuyến xã cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cơ bản, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn... Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh tại các cơ sở công lập và tư nhân. Đồng thời duy trì hỗ trợ sàng lọc miễn phí cho đối tượng ưu tiên thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Thực hiện tốt Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số..., bác sĩ Hương nói.
Phú Yên đã và đang nỗ lực duy trì vững chắc mức sinh thay thế góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên Nguyễn Hữu Hương |
NGỌC QUỲNH