Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết 21) về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó có sự đầu tư về nhân vật lực, làm thay đổi cuộc sống của mỗi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết để làm tốt công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là từng bước chuyển trọng tâm công tác DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển đúng theo tinh thần Nghị quyết 21, tỉnh đã tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số... Kết quả, tỉ suất sinh còn 14,65%o năm 2020. Tương ứng, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,09 con (năm 2020), Phú Yên là một trong chín tỉnh đạt được mức sinh thay thế trên cả nước. Tỉ số giới tính khi sinh năm 2021 là 110 bé trai/100 bé gái, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 4 (106 bé trai/100 bé gái). Tỉ suất sinh giảm, tuổi thọ ngày càng tăng làm cho tuổi thọ trung bình tăng lên rõ rệt. Cách đây hơn 30 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Phú Yên chỉ đạt 60 tuổi thì hiện nay đã tăng lên 73,5 tuổi. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ), toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 cộng tác viên dân số. “Để đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, các cộng tác viên là lực lượng đắc lực nhất, họ thực sự là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, luôn gần gũi với người dân để đưa những nội dung về chính sách dân số đến với họ”, ông Bi cho biết.
Là cộng tác viên dân số của thôn Chư Blôi, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, chị Nguyễn Thị Hy luôn dành thời gian đến các hộ tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm túc công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc, nuôi dạy con cái khỏe mạnh. Chị Hy hướng dẫn, tư vấn tỉ mỉ từng biểu hiện, triệu chứng của các loại bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Chị Hy cho hay: “Nhiều cặp vợ chồng trong thôn chỉ sinh từ 1-2 con, dành thời gian phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình”.
Để thực hiện tốt công tác dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Phạm Minh Mỹ, Trưởng Phòng Dân số - Y tế cơ sở (Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh), chia sẻ: Để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về công tác dân số trong tình hình mới, trong thời gian qua, trung tâm đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường công tác truyền thông. Việc tuyên truyền được cụ thể hóa bằng những ví dụ cụ thể, ngôn ngữ dễ hiểu. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe, công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần giảm tối đa hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Huy động cộng đồng tham gia công tác truyền thông dân số
“Nhờ triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21 nên công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được một số kết quả. Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết 21”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết.
Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Trong đó, triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các đối tượng khó tiếp cận thông tin và dịch vụ dân số, SKSS. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về dân số, giới tính khi sinh, SKSS tới các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về DS/SKSS, đặc biệt là chính sách, pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, tật trước khi sinh và sơ sinh; nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế (2,1 con), CSSKSS đối với thanh niên và người chưa thành niên. Huy động rộng rãi các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng tham gia công tác truyền thông, giáo dục, cung cấp dịch vụ DS/SKSS...
“Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ sinh 0,2%o; tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,2%. Tỉ số giới tính khi sinh ở mức <110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống. Tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 70% trẻ sinh ra (trong đó: trẻ sơ sinh được sàng lọc theo chỉ tiêu miễn phí 14%). Tăng thêm 10% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết.
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ sinh 0,2%0; tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,2%. Tỉ số giới tính khi sinh ở mức <110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống. Tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 70% trẻ sinh ra (trong đó: trẻ sơ sinh được sàng lọc theo chỉ tiêu miễn phí 14%). Tăng thêm 10% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh |
HOÀNG LÊ