Thứ Sáu, 27/09/2024 18:23 CH
Nghề của lòng nhân ái
Thứ Sáu, 07/05/2021 17:00 CH

Cán bộ xã hội, nhân viên CTXH huyện Sông Hinh tham gia Hội thi CTXH năm 2020. Ảnh: KIM CHI

Công tác xã hội (CTXH) là nghề hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Đây được xem là nghề của lòng nhân ái, sự cảm thông để đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, giúp họ vượt qua khó khăn.

 

Có thể họ là bảo mẫu, “mẹ”, “cha” của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; giáo viên của trẻ bị tự kỷ, khuyết tật. Vì vậy, với những người làm CTXH, kiến thức thôi chưa đủ, mà đòi hỏi phải có lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng.

 

Dày thêm “tấm lưới” an sinh xã hội

 

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Phú Yên còn nhiều đối tượng cần trợ giúp xã hội. Do đó, thời gian qua, các cấp ngành trong tỉnh đã và đang nỗ lực phát triển nghề CTXH nhằm làm dày hơn “tấm lưới” an sinh xã hội.

 

Theo Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh hiện có các cơ sở bảo trợ công lập như: Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm CTXH Phú Yên.

 

Ngoài ra còn có các cơ sở ngoài công lập như: Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - Mái ấm chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu), Cơ sở bảo trợ xã hội Mằng Lăng và Trung tâm Cứu trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu). Các cơ sở này đã và đang cung cấp dịch vụ xã hội cho hơn 1.000 đối tượng với các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, tham vấn, tư vấn, dạy văn hóa, điều trị nghiện ma túy...

 

Sư cô Thích Nữ Minh Chơn, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - Mái ấm chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu), đã có hơn 10 năm làm mẹ của hàng chục em nhỏ, bộc bạch: “Từ khi thành lập năm 1998 đến nay, thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, mái ấm chùa Hải Sơn luôn tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, nhằm góp phần cùng Nhà nước làm tốt công tác từ thiện, tạo điều kiện cho các em ổn định đời sống trong sự yêu thương, chăm sóc thể chất và tinh thần. Đa phần các em bị bỏ rơi và cả những bé khuyết tật… Nơi đây không từ chối bất cứ đứa trẻ nào”.

 

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Qua hơn 10 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và hoạt động hiệu quả. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, số lượng nhân viên CTXH hơn 800 người.

 

Đáp ứng nhu cầu dịch vụ CTXH

 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Sen có 8 năm công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, là một trong những nhân viên điển hình gắn bó với nghề CTXH. Hàng ngày, chị chăm sóc cho đối tượng tận tình chu đáo từ miếng cơm, ngụm nước; tắm giặt, vệ sinh lúc ở trung tâm cũng như lúc đi bệnh viện. Chị luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên từng người sống vui sống khỏe, yêu thương và chăm sóc các đối tượng như người thân trong gia đình.

 

Chị Sen chia sẻ: “Tôi đến với công việc này là vì tình thương với những người có hoàn cảnh đặc biệt, đa số là người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa có cuộc sống rất khó khăn. Đặc biệt đối với các cụ bị ốm nặng nằm liệt giường thời gian dài, vết thương bị lở loét tôi không ngại khó khăn vẫn chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, múc từng miếng cơm, muỗng cháo, giúp các cụ mau lành bệnh. Nếu có gì bất thường, khó khăn, tôi báo cáo lên ban giám đốc để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đã chọn nghề CTXH, nếu không làm bằng cái tâm thì sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ”.

 

Khó có thể đong đếm được sự vất vả, hy sinh của những người làm nghề CTXH. Chỉ biết rằng, việc làm của họ cũng như của các nhà hảo tâm, thiện nguyện đều đáng được tôn vinh khi đã góp phần mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “Để phát triển nghề CTXH, lãnh đạo sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng còn phải quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn... Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. Đồng thời có sự liên kết phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động và phong trào từ thiện tình thương”. 

 

Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Qua hơn 10 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và hoạt động hiệu quả.

 

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek