Hội LHPN tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội thảo “An toàn tài chính cho phụ nữ”. Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng cho vay ưu đãi, giúp hội viên, phụ nữ hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách tín dụng của Nhà nước. Tại đây, các cấp Hội LHPN cùng với các ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho hội viên, phụ nữ trong tiếp cận các nguồn vốn, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen”
Tình trạng “tín dụng đen” cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội. Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này trên cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Công an tỉnh, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 29 nhóm với 402 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi.
Phó Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên Nguyễn Đức Văn cho biết: “Tín dụng đen” không chỉ ở khu vực đô thị mà len lỏi đến từng ngõ ngách nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường lợi dụng những người dân vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về pháp luật để cho vay nhằm chiếm đoạt tài sản. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này khá tinh vi. Các đối tượng này đòi nợ trái pháp luật với các hành vi như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa bằng lời nói, tin nhắn khủng bố tinh thần…
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã rà soát lên danh sách theo dõi 29 nhóm với 168 nhóm đối tượng và 234 đối tượng riêng lẻ có liên quan đến hoạt động. Công an tỉnh và các địa phương đã tiếp nhận điều tra, xử lý, khởi tố điều tra 36 vụ; tổ chức kiểm tra hành chính 32 lượt tại các địa điểm nơi các nhóm đối tượng đăng ký tạm trú, lập biên bản vi phạm, xử phạt, răn đe 275 đối tượng…
Sông Hinh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Yên. Huyện có 11 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã thuộc vùng khó khăn. Thời gian qua, để phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”, huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm đến hoạt động tín dụng trên địa bàn, xem nguồn vốn tín dụng là động lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nói về công tác này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn chia sẻ: Để đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn huyện, trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “Không để người nghèo, các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được vốn vay”.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời yêu cầu các tổ chức chính trị nhận ủy thác và ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngân hàng; cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức “tín dụng đen” cũng như những hệ lụy gây ra…
Trước tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, mà trong đó không ít gia đình hội viên phụ nữ là nạn nhân, các cấp Hội LHPN tỉnh đã và đang tích cực phối hợp triển khai hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ nông thôn được tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ tài chính, ngân hàng để phát triển kinh tế. Hội LHPN huyện Tây Hòa là một trong những địa phương triển khai hiệu quả hoạt động này.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Hòa Lê Thị Minh Lộc cho hay: Thời gian qua, Hội Phụ nữ cơ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong việc nhận ủy thác, hỗ trợ phụ nữ địa phương tiếp cận nguồn vốn vay. Thông qua chương trình phối hợp, dư nợ ở địa phương đạt mức khá cao, tạo điều kiện cho nhiều tổ viên tiếp cận được vốn tín dụng. Tính đến tháng 8/2019, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã khai thác các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ cho 5.759 hộ vay trên 172.499 triệu đồng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tháo gỡ vướng mắc
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga nói rằng: “Mục đích của hội thảo An toàn tài chính cho phụ nữ lần này nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng cho vay ưu đãi, giúp hội viên, phụ nữ hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách tín dụng của Nhà nước; đồng thời cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận các nguồn vốn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU ngày 26/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi đánh bạc, cho vay lãi nặng, đòi nợ trái pháp luật.
Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen”, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: thành lập các mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm huy động nguồn vốn nhàn rỗi của phụ nữ có điều kiện kinh tế khá giúp các chị có hoàn cảnh khó khăn; mô hình cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn với sự phối hợp của các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Liên Việt…
Tổng dư nợ các nguồn vốn đến cuối tháng 8/2019 là trên 1.506 tỉ đồng, tạo điều kiện cho 46.907 hộ vay phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, các cấp Hội tích cực liên kết phối hợp với các ngân hàng, khai thác các mô hình tổ nhóm tiết kiệm và vay vốn, vận động các nguồn lực từ các chương trình, dự án… để giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Vì vậy rất cần sự tham gia của các cấp, ngành, nhất là từ các ngân hàng để có những giải pháp hữu hiệu giúp phụ nữ có thêm điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp.
Nói về công tác phối hợp thực hiện ủy thác cho phụ nữ vay vốn, ông Đinh Trọng Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận định: Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác thông qua kênh Hội Phụ nữ chiếm tỉ trọng cao nhất, trên 53% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh Hội LHPN hàng năm giúp trên 20.000 lượt hộ phát triển kinh tế, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cũng theo ông Hưng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bởi hiện nay nguồn vốn của ngân hàng này chủ yếu từ Trung ương chuyển về, nguồn vốn ủy thác từ địa phương và huy động còn thấp. Đồng thời tăng cường quảng bá các sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhận tiền gửi tại điểm giao dịch xã, sản phẩm gửi góp linh hoạt; phối hợp với Hội LHPN đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, sử dụng vốn vay; nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng đến người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu đề xuất việc điều chỉnh đối tượng cho vay, mức vay, lãi suất, thời gian vay để người dân đủ vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh; đề xuất kéo dài thời gian thụ hưởng một số chương trình tín dụng sắp hết thời hạn 31/12/2020 như: Các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Ông Đinh Trọng Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh |
NGỌC QUỲNH