Thời gian qua, việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng và phát huy mạnh mẽ. Trong đó, phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã đạt được những kết quả khả quan, thực sự đi vào mọi mặt đời sống.
Hưởng ứng tích cực các phong trào và cuộc vận động của các cấp, nhiều gia đình đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa; đặc biệt, trong phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN các cấp, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tiêu biểu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phát huy vai trò của phụ nữ
Từ các nguồn vay vốn, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... góp phần cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Lan Anh ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Trước năm 2010, tôi làm công nhân hạt điều, lương tháng ít ỏi lại thường xuyên đau ốm. Đến năm 2010, được chị em trong Hội LHPN phường giúp đỡ vốn, tôi thu mua phế liệu của người dân địa phương rồi bán lại kiếm thêm thu nhập. Công việc dần ổn định, tôi tích lũy được một số vốn và quyết định chăn nuôi thêm bò, gà, mở trang trại nuôi cút lấy trứng. Sau nhiều năm vất vả, đến nay sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng”.
Còn chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa không chỉ là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của thôn, mà còn là “chuyên gia” trong việc giải quyết các vụ bạo lực gia đình, tư vấn cho các thành viên gia đình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Qua đó góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. “Tôi thường xuyên đi đến các hộ để tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, cùng nhau phát huy những giá trị tiên tiến của gia đình truyền thống kết hợp với hiện đại như bình đẳng giới, sinh ít con để nâng cao chất lượng cuộc sống...”, chị Mười nói.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, tham gia công tác Hội, quán xuyến tốt công việc gia đình..., nhiều phụ nữ còn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng. Gia đình chị Đỗ Thị Thu Trang, chủ một cơ sở nuôi tôm hùm thịt và cá bớp ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An là một điển hình. Từ cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị Trang vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho nhiều người và tích cực tham gia công tác từ thiện. Ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, hàng năm, gia đình chị Trang còn ủng hộ, giúp đỡ trên 50 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn xã. Mặc dù công việc nuôi trồng thủy sản mất rất nhiều thời gian, nhưng vợ chồng chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý dạy các con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, chăm ngoan học giỏi. Hiện nay, các con chị đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống
Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống được báo động là có nguy cơ mai một; trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN cấp dưới cụ thể hóa hoạt động bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Trong đó chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, nổi bật là mô hình CLB Gia đình hạnh phúc. Đến nay, tại 112 cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 119 CLB này với gần 3.000 thành viên”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cùng với việc phát huy truyền thống gia đình, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhân dân ở từng khu dân cư đoàn kết, chăm lo phát triển sản xuất, phát triển sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, thể dục, thể thao và thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần tương thân tương ái được các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức quan tâm vào cuộc, tạo mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương..., góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Việc phát huy truyền thống gia đình đã giúp nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, các hộ gia đình đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng gia đình văn hóa và góp phần tích cực vào việc giảm nghèo hàng năm; chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các gia đình có sự kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ...
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái |
THIÊN LÝ