Hiện hàng loạt các công ty, đơn vị nhà máy trong và ngoài tỉnh đang ráo riết tuyển dụng một số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, nguồn cung đang thiếu trầm trọng do nhiều nguyên nhân.
Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm - dạy nghề Công đoàn Phú Yên - Ảnh: N.HÂN |
BÙNG NỔ NHU CẦU LAO ĐỘNG
Theo các trung tâm giới thiệu việc làm ở TP Tuy Hòa, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, các công việc yêu cầu trình độ tay nghề thấp đang ở mức cao, các đầu việc dành cho lao động phổ thông luôn ở con số vài nghìn. Tại các trung tâm giới thiệu việc làm, nhiều doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng, miêu tả khá chi tiết về hoạt động của đơn vị. Đi đôi với nhu cầu tuyển dụng là những chế độ để thu hút lao động làm việc như: công nhân được trả lương đúng thời hạn và được đóng BHYT, BHXH, được hỗ trợ tiền tàu xe, nhà ở, được thưởng chuyên cần... Chẳng hạn Công ty TNHH Việt Long (Bình Dương) cần tuyển 1.000 công nhân may, Công ty giày Đức Thành II (Đồng Nai) cần tuyển 2.000 lao động chuyên sản xuất giày, Công ty Vinh Cơ (TP Hồ Chí Minh) cần 1.200 lao động phổ thông để đào tạo và làm việc tại công ty, Công ty COPAL cần 2.000 lao động phổ thông, Công ty Hanson cần tuyển 700 lao động sản xuất, gia công giày da…
Những ngành mà các doanh nghiệp đang cần tuyển nhiều lao động hiện nay là may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử, gia công đồ trang trí nội thất, sản xuất giày da, chế biến thủy sản… Hiện Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên cần tuyển hơn 3.000 lao động, Trung tâm Giới thiệu - dịch vụ việc làm cần tuyển trên 2.000 lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm - dạy nghề công đoàn 5.000 lao động. Tuy nhiên, một thực tế tại các trung tâm giới thiệu việc làm là số người lao động đến xin làm việc ngoài tỉnh chỉ chiếm con số rất nhỏ so với nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến tình trạng “thừa cầu thiếu cung”.
Lao động ở Phú Yên lên đường đi làm việc ngoài tỉnh qua tư vấn của các trung tâm giới thiệu việc làm - Ảnh: NGỌC HÂN |
NGUỒN CUNG THIẾU
Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm - dạy nghề công đoàn Phú Yên: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động là nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn do người lao động về quê ăn tết không trở lại làm việc hoặc tìm một việc làm khác có thu nhập cao hơn, các doanh nghiệp mở rộng phạm vi sản xuất nên cần rất nhiều lao động. Dự kiến “cơn sốt” tuyển dụng lao động sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 3/2008, sau khi các đơn vị sử dụng lao động ổn định đi vào hoạt động.
Ở TP Tuy Hòa, sau nhiều ngày rao tuyển trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phiên giao dịch việc làm… nhiều người lao động đã đến để được trực tiếp tư vấn với nhà tuyển dụng. Anh Đặng Quốc Nhã, 27 tuổi, quê Đồng Xuân cho biết: “Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối cùng tôi đã tìm được một công việc phù hợp với mức lương cũng khá cao tại Công ty May giày Đức Thành II”. Chị Trần Thị Lài, quê Sơn Hòa cho hay: “Tôi đã đi làm nhiều công việc khác nhau, từ phụ giúp việc nhà, giữ em bé đến việc phụ bán hàng, nấu cơm, bán vé số… nhưng công việc nào thu nhập cũng rất bấp bênh. Giờ tôi xin vào làm công nhân chế biến thủy sản. Công việc mới tuy có vất vả, nhưng bù lại lương cao và được công ty hỗ trợ nhiều chế độ khác, vì vậy tôi rất yên tâm”.
Dù lao động phổ thông được rao tuyển dụng khá nhiều nhưng không phải ai muốn tìm việc cũng có. Ông Nguyễn Văn Chiến, 49 tuổi, quê huyện Tây Hòa, đã mất nhiều ngày đi tìm việc khắp nơi nhưng chưa tìm được việc vì lý do “lớn tuổi”, bởi hầu hết những nơi tuyển dụng đều kèm theo điều kiện yêu cầu tuổi khoảng 20 - 30, cao nhất là 35 tuổi.
Việc tìm người - người tìm việc, để hai nhu cầu này “kết nối” được với nhau không hề dễ. Do đó, dẫn đến tình trạng người lao động vẫn thất nghiệp, các đơn vị cung ứng lao động thì không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía các doanh nghiệp. Qua các buổi tư vấn và trực tiếp thuê xe đưa người lao động đến tận nơi làm việc, bố trí chỗ ăn ở, các trung tâm cũng chỉ cung ứng được vài trăm lao động so với hàng nghìn đầu việc cần tuyển dụng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phần lớn người lao động Phú Yên vẫn còn thói quen lao động nông nghiệp, thích thì làm, không thích thì nghỉ cộng với tâm lý ngại đi làm xa, không thích làm thợ. Còn về phía nhà tuyển dụng thì điều kiện làm việc, mức lương chưa đảm bảo cho người lao động đủ sống và chưa có chính sách để thu hút người lao động như: nhà trọ, phụ cấp, chăm lo đời sống tinh thần vật chất… Do đó, hiện nay, doanh nghiệp nào chăm lo tốt quyền lợi của người lao động thì người lao động sẽ tự tìm đến làm việc, gắn bó lâu dài. Ngược lại, người lao động sẽ xa lánh và doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt lao động.
NGỌC HÂN