Tội phạm mua bán người hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV, AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Nó được đánh giá là loại tội phạm có diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và bị quốc tế hóa mạnh. Dù công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã có nhiều cố gắng, song tội phạm mua bán người ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lớn và xu hướng hoạt động xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài đang gia tăng.
Nhức nhối vấn nạn mua bán người
Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2546/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Qua hơn hai năm (2016-2018), cả hệ thống chính trị cả nước đã chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.
Ðáng chú ý, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan mua, bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho biết: Nạn nhân của những đường dây mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đời sống còn nghèo nàn, trình độ dân trí và hiểu biết thấp, phần lớn các nạn nhân là những người mù chữ hoặc dừng lại ở cấp tiểu học; nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng hoặc thất nghiệp. Một số là do những cô gái trẻ, lười lao động, thích hưởng thụ, ăn chơi nên bị dụ dỗ đi tham quan, du lịch, môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động… rồi lừa bán ra nước ngoài làm gái hoặc làm vợ cho những người lớn tuổi…
Nhiều đối tượng là người nước ngoài, lợi dụng chính sách đối ngoại mở cửa và hội nhập của đất nước ta, đã vào nước ta dưới danh nghĩa ký kết làm ăn, tham quan, du lịch… để câu kết với các đối tượng trong nước hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Một nguyên nhân nữa đó là các chế tài, hình phạt đối với các đối tượng phạm tội mua bán người hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, hiện toàn quốc có hơn 20.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong đó đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục.
Theo Bộ Công an, các đối tượng phạm tội mua bán người hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi: Các đối tượng tiếp cận, dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn nghèo về thành phố để làm việc, công việc vừa nhàn hạ, vừa có thu nhập cao rồi lừa bán vào các ổ mại dâm hoặc đưa thẳng lên biên giới sau đó bán ra nước ngoài. Dùng thủ đoạn giả vờ yêu đương nạn nhân rồi rủ lên các tỉnh biên giới chơi, mua sắm đồ, sau đó lừa bán sang Trung Quốc.
Thông qua mạng internet tìm những em gái thiếu tiền trả internet để làm quen, “cứu net”, sau đó lừa bán cho chủ nhà nghỉ, quán cafe đèn mờ làm gái bán dâm hoặc bán sang Trung Quốc. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh, đi du lịch nước ngoài, xuất khẩu lao động và kết hôn với người nước ngoài để tổ chức buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài với danh nghĩa đi du lịch, hợp tác lao động hoặc lấy chồng, làm con nuôi người nước ngoài.
Nạn nhân khi ra nước ngoài mới biết họ bị lừa bán. Một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép, mua chuộc, đe dọa buộc họ làm theo ý định của chúng. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp phụ nữ lang thang cơ nhỡ ở bến tàu, bến xe bị bắt cóc hoặc lừa bán ra nước ngoài. Xu hướng phạm tội có tổ chức ngày càng thể hiện rõ, có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm trong và ngoài nước để hình thành các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài. Lợi dụng những phụ nữ có con nhỏ hoặc đang mang thai nhưng hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới cho nhận con nuôi sau khi sinh, lừa bán các cháu nhỏ sang Trung Quốc.
Phòng ngừa tội phạm mua bán người
Theo Bộ Công an, hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua việc đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Ðông sang châu Âu. Tại Việt Nam, từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc phát hiện 885 vụ mua bán người, với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. So với cùng kỳ giai đoạn 2011- 2015, giảm 22% số vụ, 32% số đối tượng và 8% số nạn nhân.
Để hoạt động phòng chống mua bán người đạt hiệu quả, Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra của các cấp, chính quyền đối với công tác phòng chống mua bán người; kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán người; tuyên truyền tập trung, lồng ghép với các buổi họp tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề với học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, người dân cần tự nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội nói trên. Đối với phụ nữ trẻ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với các nam thanh niên quen biết qua các trang mạng xã hội ảo vì rất dễ bị các đối tượng lợi dụng lừa gạt.
Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý, phòng tránh bị các đối tượng mua bán người lợi dụng lừa gạt.
Người dân cần nắm được các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tránh để tội phạm lợi dụng, trở thành người tiếp tay, giúp sức, đồng phạm với tội phạm mua bán người, như: môi giới, tuyển lựa người đi lao động; môi giới ở các bệnh viện, nhà hộ sinh… trong việc cho, nhận trẻ sơ sinh, qua đó để nhận được tiền, lợi ích vật chất...
Khi chẳng may trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người, bị bán vào các động mại dâm trong nước hoặc nước ngoài, thì trước hết các nạn nhân phải tìm cách để tự cứu mình. Đó là ghi nhớ các đặc điểm về nơi mình bị tạm giữ, ép bán dâm, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan công an.
Những nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về hoặc tự trở về cần trình báo, hợp tác với cơ quan công an để cung cấp những thông tin có liên quan đến các đối tượng phạm tội giúp cơ quan công an có thêm thông tin về các đối tượng mua bán người để kịp thời ngăn chặn, giải cứu các nạn nhân khác giúp họ trở về đoàn tụ với gia đình.
Luật Phòng, chống mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật gồm 8 chương, 58 điều, quy định rõ việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Trong đó:
Điều 3. Các hành vi nghiêm cấm
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật Hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.
4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này.
5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này.
6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại điều này.
7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại điều này
9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ, hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
11. Giả mạo là nạn nhân.
12. Hành vi khác vi phạm các quy định của luật này.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bị mua bán
1. Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.
2. Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của luật này
3. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
4. Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. 5. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người |
KIM CHI