Những năm tháng đầu đời của trẻ thơ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành trí thông minh, nhân cách và các hành vi xã hội của trẻ sau này. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các bậc cha mẹ trong chăm sóc giáo dục trẻ thơ ở những năm đầu đời, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam đã và đang tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ thơ cho cha mẹ và cán bộ Hội (tình nguyện viên) ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Phú Yên.
Vai trò quan trọng của cha mẹ
Xã hội ngày càng phát triển, các bậc cha mẹ ngày càng bận rộn với công việc bên ngoài xã hội và gánh nặng mưu sinh, khiến không ít người “quên” đi việc giáo dục con cái. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, những năm đầu đời của con người rất quan trọng để hình thành trí thông minh, nhân cách và các hành vi xã hội.
Do vậy, trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện từ trong gia đình, nhà trường, cộng đồng. Với mong muốn trang bị, tăng cường kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, giúp họ biết cách chăm sóc và hỗ trợ trẻ phát triển dựa theo các mốc phát triển của trẻ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam biên soạn bộ tài liệu giáo dục dành cho cha mẹ về chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi.
Bộ tài liệu này là công cụ “cầm tay chỉ việc” để cán bộ Hội nắm được một số phương pháp, kỹ năng tổ chức buổi họp nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi tại cộng đồng có hiệu quả. Đồng thời giúp cha mẹ nâng cao nhận thức trong chăm sóc, phát triển trẻ thơ một cách toàn diện.
Chị Hà Thị Oanh, cán bộ tham mưu mảng công tác trẻ em của Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: Nhóm cha mẹ về chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi được Trung ương Hội triển khai điểm từ năm 2013-2015 ở 9 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, dưới sự tài trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam.
Sau đó thấy hiệu quả, Trung ương Hội tiếp tục vận động nguồn lực từ tổ chức này triển khai nhân rộng ra 45 tỉnh, thành và Phú Yên là một trong số đó. Mô hình được lựa chọn 1 trong 4 mô hình chỉ đạo điểm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ lần thứ XII của Hội LHPN Việt Nam. Theo đó, Trung ương Hội tập huấn giảng viên nguồn cho các tỉnh, sau đó tỉnh sẽ chủ động tập huấn triển khai lại cho các huyện, rồi triển khai xuống cộng đồng.
Trung ương Hội cũng sẽ hỗ trợ các tài liệu xuống cộng đồng cho các nhóm vận hành. Mục đích là để nâng cao chất lượng, hiệu quả các CLB của các chi hội đang vận hành ở cấp cơ sở như CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… chứ không phải là thành lập mô hình mới.
Thực tế cho thấy, việc sinh hoạt ở các cơ sở Hội hiện nay vẫn là hình thức truyền thông một chiều, kém hiệu quả. Hơn nữa, hiện nay các chi hội, các CLB rất thiếu nội dung sinh hoạt. Do vậy, Trung ương Hội đã đổi mới phương pháp điều hành hoạt động bắt đầu từ chi hội, từ CLB cho đến cán bộ.
Phương pháp mới này huy động sự tham gia của cha mẹ ở địa phương để họ cảm thấy hứng khởi khi đến với Hội. Họ đến không chỉ để nghe triển khai các kế hoạch nghị quyết, chính sách mà họ được cung cấp những kinh nghiệm, kiến thức nuôi dạy con cái một cách gần gũi.
Thay đổi kỹ năng tuyên truyền
Hơn ai hết, con trẻ rất cần sự chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương của các bậc làm cha, làm mẹ. Trong giai đoạn 0-8 tuổi, chăm sóc trẻ thơ bao gồm 3 lĩnh vực, đó là chăm sóc sức khỏe; chăm sóc để trẻ phát triển thông minh và giao tiếp tốt; chăm sóc để trẻ được bảo vệ và được tham gia.
Bên cạnh đó, phát triển trẻ thơ là giúp trẻ phát triển 5 lĩnh vực: vận động; khéo léo của bàn tay, ngón tay; lời nói; trí thông minh và tình cảm xã hội. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng am tường vấn đề này trong quá trình chăm sóc con của mình.
Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) Đàm Thị Nam cho biết: Cuộc sống của bà con trong xã Ea Ly còn nhiều khó khăn, phụ nữ thường xuyên đi làm ruộng rẫy, ít có thời gian chăm sóc, gần gũi con cái hàng ngày, nên vấn đề chăm sóc trẻ còn hạn chế. Ea Ly có rất nhiều tộc người cộng cư sinh sống như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Ba Na...
Từng thôn buôn, Hội có cách tuyên truyền khác nhau. Đối với dân tộc thiểu số bản địa như bà con Ê Đê ở buôn Zô, Hội sử dụng cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tuyên truyền vận động. Trước giờ, Hội LHPN xã phối hợp triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền cho hội viên trong công tác giáo dục chăm sóc trẻ em nhưng còn khô khan.
Tôi rất vui khi tham gia lớp tập huấn, nắm bắt được kỹ năng truyên truyền, tổ chức các hoạt động ở cơ sở theo phương pháp mới. Đó là vừa lồng ghép tuyên truyền, vừa tổ chức các hoạt động kỹ năng, tổ chức các trò chơi, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Tôi hy vọng đây sẽ là cách tập hợp hội viên vào tổ chức Hội nhiều hơn trong thời gian tới”.
Chia sẻ về hiệu ứng mà lớp tập huấn mang lại, Chị Lê Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) phấn khởi: Sắp tới, các chi hội phụ nữ sẽ tổ chức sinh hoạt thường kỳ. Tôi sẽ trực tiếp xuống các cơ sở Hội tham gia sinh hoạt để hướng dẫn chị em cách thức truyền tải vận hành nhóm cha mẹ có con 0-8 tuổi, cách tổ chức một số trò chơi dành cho cha mẹ và con trẻ, như trò chơi vận động chân tay, trò chơi nhận biết các con vật, các bài hát…
NGỌC QUỲNH