Tại hội nghị biểu dương các khu dân cư tiêu biểu vừa được Mặt trận tỉnh tổ chức, nhiều người nể phục thôn Q với thành tích về việc phát huy tinh thần hiếu học trong toàn dân. Cụ thể là thôn này hiện có gần 10 tiến sĩ đang công tác ở trong và ngoài nước; hàng chục học sinh đậu điểm cao vào các trường đại học qua các kỳ thi hàng năm.
Sau hội nghị, tôi gặp chị H là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn chị cười tươi khẳng định: “Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ thôn phát huy được tinh thần hiếu học của người dân”.
Theo chị H, phong trào khuyến học khuyến tài của thôn được xây dựng hơn 20 năm nay. Ban Vận động khuyến học khuyến tài của thôn được cơ cấu đầy đủ các thành phần, trong đó trưởng thôn làm trưởng ban; Mặt trận, các tổ chức thành viên, hội đoàn thể, một số gia đình có con học giỏi tham gia làm thành viên.
Lúc đầu mới thành lập, công tác vận động gặp không ít khó khăn. Cũng dễ hiểu, bởi vì thời điểm đó, đời sống của người dân còn nghèo, lo cái ăn, cái mặc là chính, ít ai nghĩ đến việc học hành. Thậm chí, nhiều gia đình bắt con phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà.
Ban vận động đã đến từng gia đình phân tích thiệt hơn để các cháu tiếp tục đến trường. Qua đó cũng nắm bắt được hoàn cảnh của từng trường hợp, mà đa phần đều do nghèo túng mà ra. Ban vận động đã đề ra nhiều giải pháp để tìm cách giúp đỡ, như: các thành viên chia thành từng nhóm để vận động quyên góp theo từng địa bàn dân cư; viết thư ngỏ đến các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn; vận động một số nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ… Năm đầu tiên “ra quân” thu được gần 10 triệu đồng.
Tuy không nhiều nhưng trước mắt đã giúp một số gia đình nghèo có tiền mua đồ dùng học tập cho con em. Thấy vậy, các gia đình “lỡ” cho con nghỉ học đã đưa các cháu trở lại trường. Tình trạng bỏ học giữa chừng trong thôn từ đó giảm hẳn và nhiều năm sau đã không còn tái diễn.
Rút kinh nghiệm từ những năm đầu, các năm tiếp theo, ban này tổ chức vận động quyên góp quỹ vào những dịp lễ, Tết. Đặc biệt, Tết Nguyên đán hàng năm, ban đã chọn 1 ngày cố định để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các gia đình tiêu biểu có con học hành thành đạt. Đây cũng là dịp để thôn “mở sổ vàng” nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Nhờ cách làm trên, số quỹ thu được năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc khen thưởng cũng được ban nới rộng ra cho nhiều đối tượng. Cùng với khen thưởng kịp thời các học sinh nghèo vươn lên trong học tập, các học sinh đậu vào các trường đại học với điểm cao, các sinh viên được nhận học bổng du học… đều được tặng quà, động viên, khích lệ.
Một việc làm được chị H nhắc đi nhắc lại nhiều lần với tôi, đó là việc bảo đảm sự công khai minh bạch trong công tác vận động cũng như phát thưởng. Chị tự hào bởi Ban Vận động khuyến học khuyến tài luôn nhận được sự tin tưởng của bà con trong thôn. Nhiều gia đình có con cái thành đạt, hay ăn nên làm ra đều tự nguyện đóng góp quỹ bằng những phần quà rất có giá trị. Hàng quý, ban đều niêm yết công khai tại trụ sở danh sách các cá nhân, tập thể ủng hộ; số học sinh, sinh viên được nhận thưởng…
Nghe chị H kể, tôi thầm nghĩ, hơn 20 năm qua, ban này vẫn “đứng vững”; quỹ khuyến học khuyến tài của thôn lên tới hàng tỉ đồng, kịp thời giúp đỡ, động viên khích lệ hàng trăm trường hợp học sinh vươn lên trong học tập. Thôn Q được nhiều người ngưỡng mộ, cảm phục là phải lắm!
NHÂN VĂN