Thứ Sáu, 29/11/2024 23:27 CH
Cuộc mưu sinh bình dị trên sân ga
Thứ Sáu, 28/09/2018 09:29 SA

Ông Đinh Công Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng các tổ viên tổ xe ôm ga Tuy Hòa đón khách tại sân ga - Ảnh: THÁI HÀ

Những năm gần đây, Phú Yên thu hút được nhiều khách du lịch nên những chuyến tàu đến ga Tuy Hòa cũng đông đúc hơn, mang lại cơ hội làm ăn cho những người mưu sinh ở ga. Nếu như khách trên những chuyến tàu đến rồi đi, thì những người mưu sinh trên sân ga vẫn bám trụ với công việc từ năm này qua năm khác. Với họ, sân ga đã như là nhà, người trong ga là anh em và có người muốn gắn bó hết đời mình ở đây.

 

Những chuyến tàu mang sức sống mới

 

 

Theo những người có thâm niên làm việc tại ga, vài năm trở lại đây, ga Tuy Hòa, một ga tỉnh nhỏ của tuyến đường sắt Bắc - Nam như thay da đổi thịt với những dòng người tấp nập từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam đổ về làm ăn, du lịch. Chuyến tàu vì vậy cũng mang diện mạo mới, sức sống mới…; đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn cho những người đang mưu sinh tại ga nhỏ này.

 

Ông Đoàn Công Hùng ở phường 2, TP Tuy Hòa, sau khi giải ngũ về quê (năm 1989), ông chạy xe ôm tại ga Tuy Hòa cho đến nay, tính ra cũng đã gần 30 năm. Từ chạy xe riêng lẻ, hiện tổ xe ôm ga Tuy Hòa có 28 thành viên, chia ca ngày đêm và hoạt động rất bài bản. Ba năm trở lại đây, khi số lượng du khách đến Phú Yên tăng đột biến, lực lượng xe ôm cũng kiêm luôn “hướng dẫn viên du lịch” cho những bạn trẻ mê khám phá và thích du lịch bụi.

 

Chia sẻ thêm về công việc của mình, ông Hùng cho biết: “Số lượng khách đến Phú Yên tăng, nhưng vì phải cạnh tranh với taxi, xe buýt, xe du lịch nên thu nhập của cánh xe ôm cũng chỉ khá hơn trước một chút. Có điều khách đến nhiều, tài xế xe ôm được chở những bạn trẻ của mọi miền đất nước, chủ yếu là sinh viên, thích khám phá và rất lễ phép nên chúng tôi rất quý.

 

Tổ xe ôm cũng rất chú ý giữ gìn hình ảnh của Phú Yên. Chúng tôi nhiệt tình quảng bá các địa danh ở hai đầu Nam - Bắc như Mũi Điện, nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Đĩa, Bãi Xép…, còn nếu khách hỏi đi những điểm chưa có sự đầu tư, quản lý, chúng tôi thường “bàn lùi”, vì sợ khách đến chê rồi lần sau họ không ghé lại”.

 

Trong tổ xe ôm ga Tuy Hòa, chú Hai Thinh, chú Chí, chú Bảy Cận, chú Thắng là những người có thâm niên gần 40 năm, số còn lại nói là trẻ hơn nhưng đa phần đều mưu sinh trên ga 20-30 năm. Họ phối hợp nhịp nhàng, không tranh giành khách, làm việc uy tín nên có nhiều khách quen say xe, xuống tàu là gọi xe ôm chở về Sơn Hòa, Sông Hinh, thậm chí là Buôn Ma Thuột…

 

Nhờ đông khách, không chỉ tổ xe ôm mà các hãng taxi, các hàng quán khu vực ga đều làm ăn được. Thậm chí vào mùa cao điểm như hè hay lễ, Tết, quán cà phê Ga Tuy Hòa mở cửa suốt đêm để phục vụ khách đến ga vào những chuyến tàu khuya và sáng sớm.

 

Sân ga là nhà

 

Không phải là người trong gia đình nhưng hầu như những người lao động trên sân ga đều dành cho nhau những tình cảm rất đáng quý. Thậm chí một số người không chỉ xem sân ga là nơi làm ăn, người làm việc ở ga là người nhà mà còn muốn sống ở đây cho đến hết đời.

 

Bà Trần Thị Lộc, người gốc Huế vào Phú Yên từ năm 6 tuổi, đến nay đã 86 tuổi, có 13 năm làm nhân viên dọn vệ sinh cho nhà ga và các khu trọ do nhà ga quản lý. Sau khi các nhà trọ dành cho nhân viên nhà ga không còn hoạt động, khu trọ được dỡ bỏ để cho thuê làm hàng nước, bà Lộc dọn lại một góc trọ cũ còn lại sát vách khu vệ sinh và sinh sống tại ga đến nay đã trên 40 năm, tiếp tục công việc quét dọn khu nhà vệ sinh của ga tươm tất phục vụ khách.

 

Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Lộc vẫn còn minh mẫn, giọng nói sang sảng, và dù cuộc sống vất vả nhưng bà luôn muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Anh Lê Đức Luân, chủ quán cà phê Ga Tuy Hòa cho biết, nhiều lần thấy có khách đi tàu thiếu tiền, dù ít tiền nhưng bà Lộc sẵn sàng giúp đỡ bằng cách cho tiền mua vé tàu hay tiền ăn.

 

Sau có người không quay lại, nhưng cũng có người khi qua ga đã tìm lại người quét dọn để trả ơn. Tầm 4-5 năm trước, bà Lộc trúng số được 125 triệu đồng, bà cho tiền hết cánh xe ôm và những người cùng làm việc trên sân ga, vì bà nghĩ lúc khó khăn, họ đã giúp đỡ bà, tình cảm mới quý chứ tiền bạc thì có đó rồi hết đó.

 

Chia sẻ về cuộc sống ở sân ga, bà Lộc cho biết: “Tôi làm việc ở ga này khi nó còn là một ga nghèo, không có đến cái ghế cho khách nghỉ chân. Mỗi đêm, khách phải thuê manh chiếu nằm để đợi tàu. Theo thời gian, người ta sửa chữa, xây dựng lại nên ga đẹp đẽ rồi. Tôi có 6 đứa con cả trai lẫn gái, 2 đứa ở xa, 4 đứa ở gần. Nhiều người bảo tôi sao không về với con, nhưng tôi sống ở ga quen rồi, không muốn đi đâu. Trong cơn bão hồi đầu năm, tôi bị rách một mảng da dài ở chân, máu chảy lênh láng.

 

Lúc sắp xỉu, có cậu thanh niên sống gần bên nghe được chạy qua rồi gọi taxi chở đi cấp cứu trong gió bão. Đến bệnh viện, tôi phải truyền 2 bịch máu, sau đó mới dần tỉnh lại. Nghĩ lại, ở đây giống như nhà, xung quanh như bà con, lúc khó khăn, nhân viên nhà ga còn gom tiền giúp đỡ tôi nên ga tàu cũng không khác gia đình là mấy”.

 

“Buổi sáng ga có 4 chuyến, chiều có 5 chuyến tàu đi qua. Ban đêm thì có 1 chuyến lúc 23 giờ 30 và 1 chuyến lúc 2 giờ sáng. Mọi người ở đây mưu sinh theo những chuyến tàu. Tàu đến, cả sân ga lao xao lên, để rồi khi tàu rời đi, sân ga trở nên yên bình và những người ở đây lại mong ngóng những con tàu về ga với rất nhiều hy vọng. Cuộc đời chúng tôi cũng buồn vui theo những chuyến tàu ấy”, ông Hùng trải lòng.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek