Thường trực LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo Cục Thuế tỉnh vừa có buổi làm việc để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp số 04 từ đầu năm 2017 đến nay. Việc ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi để việc thực hiện chính sách thuế và thu phí công đoàn (PCĐ) tại cơ quan, đơn vị ngày càng đạt hiệu quả, nhất là trong các doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước.
Tích cực và chủ động
Bà Phạm Thị Ngọc Tú, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện nay, trong khi nhiều DN nghiêm túc trích nộp PCĐ thì vẫn còn một số DN né tránh, chây ỳ trách nhiệm này. Trước thực trạng đó, LĐLĐ tỉnh ký kết với Cục Thuế tỉnh về việc thu PCĐ, đồng thời chỉ đạo 9/9 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc ký kết quy chế phối hợp với các chi cục thuế cùng cấp trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến thực hiện quy định của pháp luật thuế, pháp luật công đoàn, hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra đóng PCĐ trong các DN.
Trong 2 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn và Nghị định 191 của Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn thu kinh phí, đoàn phí công đoàn của Tổng LĐLĐ tại các cấp công đoàn cơ sở với trên 8.979 lượt CNVCLĐ tham gia. Cơ quan thuế hỗ trợ cơ quan công đoàn cung cấp thông tin về DN để hỗ trợ thu PCĐ hơn 300 đơn vị; kiểm tra và thu gần 10 tỉ đồng tiền trích nộp PCĐ. Ngành Thuế đã kiểm tra 730 DN, kết quả có 326 DN tham gia đóng BHXH, với tổng số PCĐ phải trích là hơn 11 tỉ đồng; trong đó có 234 DN không trích nộp PCĐ và 92 DN đã trích PCĐ, với gần 8 tỉ đồng…
Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa Nguyễn Thành Đông cho biết: Thông qua các hội nghị, chúng tôi đã lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách thuế và công đoàn đến tận các đối tượng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay 90% DN trên địa bàn thành phố đều nắm rõ nghĩa vụ trong việc thực hiện Luật Công đoàn. TP Tuy Hòa hiện có hàng ngàn DN nhưng chủ yếu là DN nhỏ và “siêu nhỏ”.
Để sự phối hợp có hiệu quả thì cơ quan thuế và công đoàn thường xuyên trao đổi thông tin, trong đó có đánh giá, phân loại các DN đã chấp hành, số DN chậm trích nộp, số DN chưa trích nộp để có căn cứ nhắc nhở, đôn đốc. Hơn nữa chúng tôi đã tập trung tuyên truyền đến chủ DN bằng nhiều hình thức, để họ hiểu luật, từ đó chấp hành việc đóng PCĐ đầy đủ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TM Dũng Tiến: “Hàng năm, công ty đều thực hiện tốt việc trích nộp PCĐ theo quy định. Nộp PCĐ không chỉ thực hiện đúng luật mà còn là một cách để DN thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, như thăm hỏi ốm đau, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao… Khi NLĐ thấy được sự quan tâm của DN thì họ sẽ cống hiến và gắn bó lâu dài với DN”.
Tăng cường công tác phối hợp
Tại buổi làm việc để đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp từ đầu năm 2017 đến nay, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và các phòng, ban chuyên môn của hai đơn vị đã tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, đồng thời đề ra các giải pháp để thu PCĐ hiệu quả nhất. Nói về những hạn chế, tồn tại khi thu PCĐ, bà Phạm Thị Ngọc Tú, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, trăn trở: “Mặc dù hai bên đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai chương trình phối hợp đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song thực tế vẫn còn những điều chưa đạt được như mong muốn. Hiện nay, số DN nợ, chậm nộp PCĐ vẫn còn rất nhiều, khả năng thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn còn lớn. Điều này đòi hỏi các cấp Công đoàn và ngành Thuế cùng cấp cần phải cố gắng, nỗ lực, phối hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa”.
Theo bà Tú, cái khó hiện nay là dù đã có chế tài xử phạt (theo Nghị định 95 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và Nghị định 88 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, quy định về mức phạt đối với DN không đóng hoặc chậm đóng PCĐ), nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể cơ quan hay tổ chức nào được quyền xử phạt và số tiền xử phạt sẽ do ai quản lý. Để công tác phối hợp được hiệu quả hơn, LĐLĐ và Cục Thuế tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp, đổi mới các hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi đến tay NLĐ để họ hiểu về quyền lợi của mình; tăng cường làm việc trực tiếp với chủ DN về thực hiện chính sách thuế, thành lập tổ chức công đoàn và trích nộp PCĐ theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Duy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nói: “Thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để thực hiện hiệu quả hơn việc thu PCĐ. Đồng thời cần thường xuyên trao đổi thông tin trong đó có đánh giá, phân loại các DN đã chấp hành tốt, số DN chậm trích nộp, số DN có trích nhưng không nộp, số DN chưa trích nộp để có căn cứ nhắc nhở, đôn đốc. Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến chủ DN bằng nhiều hình thức; gửi danh sách các DN còn nợ PCĐ, số kinh phí các DN phải nộp cho cơ quan thuế để đôn đốc, nhắc nhở chủ DN cố tình không đóng PCĐ, nhất là các DN đã trích, khấu trừ vào chi phí sản xuất”.
Để giải quyết những khó khăn trong việc thu PCĐ, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, trong thời gian đến, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành văn bản đôn đốc các DN nộp PCĐ theo quy định. Tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động cho đối tượng là giám đốc, kế toán DN để họ thấy rõ. Đồng thời tăng cường tổ chức gặp mặt, giao lưu với chủ DN để họ hiểu việc đóng PCĐ theo Luật Công đoàn năm 2012 là một giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, giúp DN phát triển ổn định, bền vững. Cán bộ công đoàn cần bám sát DN, phải hết sức mềm dẻo nhưng cũng phải cương quyết trong việc thu PCĐ.
Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh |
THÁI NGỌC