Thứ Bảy, 28/09/2024 04:22 SA
Chung tay vì người khuyết tật
Thứ Ba, 18/04/2017 07:31 SA

Những năm gần đây, bên cạnh các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc triển khai các mô hình giúp người khuyết tật (NKT).

 

Các nhân viên Hội Chữ thập đỏ Phú Yên giúp một người khuyết tật di chuyển lên các bậc thềm để khám bệnh - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Giúp người khuyết tật có điều kiện vươn lên

 

Sau cơn bạo bệnh, ông Đinh Văn Trực ở thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), không còn nói được. Nhà nghèo, cuộc sống khó khăn, năm 2016, gia đình ông được Sở LĐ-TB-XH xét hỗ trợ kinh phí từ dự án Sinh kế cho NKT để mua bò về nuôi. Tuy không thể nói nhưng nhờ chân tay mau lẹ, ông Trực vẫn có thể chăm sóc, gom bã mía cho bò ăn. Nhờ việc này, ông phụ được gia đình kiếm kế sinh nhai.

 

Tương tự, năm 2013, gia đình ông Cao Lưu là hộ nghèo, có con bị khuyết tật ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên cho mượn 14 triệu đồng để nuôi bò và phát triển sản xuất. Ông Lưu cho biết: “Tôi dùng số tiền này mua một con bê và trồng bắp; phần chuồng trại, nguồn thức ăn, công chăn dắt bò, chăm sóc bắp… thì gia đình tự lo. Qua gần 4 năm sử dụng nguồn vốn mượn của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên, gia đình có tổng nguồn thu là 50 triệu đồng, trừ chi phí và trả vốn cho Hội, chúng tôi còn lãi để chi dùng trong nhà và mua thêm một con bê để nuôi. Nhờ có số vốn ban đầu của Hội cho mượn, chúng tôi có việc làm ổn định, cuộc sống được cải thiện phần nào”.

 

Còn anh Lê Văn Lẽ ở thôn Thạnh Lâm, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) thì được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ vốn để đầu tư nuôi bò vào năm 2014. Chịu khó chăm sóc, đến nay, anh Lẽ có được con bò trị giá trên 40 triệu đồng và một con bê. Anh bộc bạch: “Bóng tối mịt mùng của số phận không thể cản được niềm tin và nghị lực trong tôi. Tôi luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”, nên cố gắng phụ giúp gia đình trong khả năng của mình, cùng mọi người chung tay xây dựng cuộc sống. Khi trở thành hội viên Hội Người mù huyện, tôi được các cán bộ của Hội giúp đỡ tận tình bằng cách hướng dẫn kỹ năng sống, tạo cơ hội để gia đình có điều kiện vươn lên”.

 

“Không chỉ ông Trực, ông Lưu, anh Lẽ mà hàng ngàn NKT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, trợ giúp, tặng quà, tạo điều kiện giúp họ có được niềm vui, tự tin vươn lên trong cuộc sống”, ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, chia sẻ.

 

Ông Đinh Văn Trực ở thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) bị câm, được Nhà nước hỗ trợ mua bò về nuôi - Ảnh: KIM CHI

 

Mở rộng hoạt động trợ giúp người khuyết tật

 

Ông Võ Văn Binh cho biết, toàn tỉnh hiện có 17.877 NKT được xác định mức độ khuyết tật tại hội đồng cấp xã. Trong đó, NKT đặc biệt nặng là 3.565 người, khuyết tật nặng 14.313 người. Nhìn chung, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT đã được Nhà nước, các hội đoàn thể và cộng đồng xã hội quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, đảm bảo cho NKT có cơ hội được tiếp cận cơ bản các chính sách giáo dục, dạy nghề và việc làm... Qua đó từng bước giúp NKT có điều kiện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần thực tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên đã vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ 150 suất học bổng, cấp 40 chiếc xe lăn cho các đối tượng khuyết tật; khám bệnh, bốc thuốc, chữa bệnh miễn phí cho 1.800 lượt đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi. Hội Người mù tỉnh cũng tổ chức dạy chữ nổi (Braille) cho 27 người, dạy nghề cho 24 người, tạo việc làm ổn định tại cơ sở tẩm quất cho 13 người; huy động các nguồn vốn cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay với lãi suất thấp. Cụ thể, Hội đã cho 147 hội viên vay tổng cộng 574 triệu đồng; vận động các nguồn lực xóa nhà ở tạm cho 11 hội viên nghèo và sửa chữa 4 nhà cho hội viên với tổng kinh phí 420 triệu đồng.

 

Để giúp NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai sâu rộng đề án Trợ giúp NKT năm 2017. Mục tiêu của đề án là phấn đấu phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; hỗ trợ dụng cụ phục hồi chức năng cho NKT; trợ giúp tiếp cận giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm; trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông…

 

Ông Võ Văn Binh cho biết: So với giai đoạn 2006-2010, đề án Trợ giúp NKT giai đoạn này đã đưa ra những nội dung mang tính tiếp cận hơn với nhu cầu của đối tượng, trong đó có những nội dung mới, đó là tiếp cận phương tiện giao thông, trợ giúp pháp lý và tập huấn kỹ năng. Đây là những vấn đề thực tiễn mà NKT còn gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh những nội dung tiếp nối thành quả của đề án giai đoạn trước, những nội dung mới được đưa vào đề án thực sự làm thỏa lòng mong mỏi của NKT và những người hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp NKT.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek