Báo Tuổi Trẻ vừa trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 120 tân sinh viên nghèo của 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Không chỉ tiếp sức kịp thời cho các tân sinh viên nghèo khó đến giảng đường, học bổng này còn là sự ghi nhận những nỗ lực và là nguồn động viên cho các em vững tin tiến bước đến tương lai.
LAN TỎA SẺ CHIA
120 tân sinh viên của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được nhận học bổng lần này, mỗi em một cảnh đời nhưng cùng chung nỗi lo không đủ tiền để trang trải học hành. Nhiều em mồ côi cha, mẹ, nhiều em nghèo đến nỗi nhà chỉ có một chiếc xe đạp trành, phải nhường cho mẹ đi làm thuê. Và không thiếu những em một buổi đi học, buổi còn lại phụ giúp gia đình hái tiêu, nhổ cỏ sắn, chăn bò thuê... Huỳnh Thị Thu Thủy, tân sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, bị bệnh thoái hóa giác mạc từ khi còn nằm trong bụng mẹ và có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ba Thủy già yếu, mẹ mất sức lao động do gặp tai nạn. Cô gái 24 tuổi quê ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) luôn tự dặn mình phải cố gắng học tập để trở thành người có ích. Ban ngày, Thủy đến lớp học cùng các bạn khuyết tật khác, ban đêm, em đi bán vé số, tăm tre từ thiện, bánh cam… kiếm tiền để tự lo cho bản thân mình. Câu chuyện về nghị lực vượt khó của Thủy đã được ban tổ chức chọn là tiêu điểm trình chiếu trong lễ trao học bổng đã lấy nước mắt của nhiều người có mặt. Kết thúc chương trình, giám đốc của một doanh nghiệp hứa sẽ giúp em tìm việc làm thêm tại TP Hồ Chí Minh. Thủy bộc bạch: “Mấy hôm trước, em xin đi phát tờ rơi nhưng bị từ chối, nên em rất buồn. May mắn trong giai đoạn khó khăn nhất về tài chính, em được nhận học bổng của Báo Tuổi Trẻ. Số tiền này sẽ giúp em trang trải trong học kỳ I”.
Còn Lê Thị Quỳnh Như, tân sinh viên Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Trong phần giao lưu, khi người dẫn chương trình nắm bàn tay sần sùi, chai sạn và nhiều vết sẹo của mẹ bạn Võ Thị Ngọc Hiếu, tân sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, em đã khóc khi nghĩ đến mẹ mình. Từ ngày ly dị ba, dù bệnh tật nhưng mẹ vẫn đi chặt mía để có tiền cho chúng em ăn học. Tay mẹ bị gãy mấy lần, thậm chí, có lúc mẹ bị bó mía đâm thủng bụng phải phẫu thuật cắt bỏ một quả thận. Từ ngày em đậu đại học, mẹ vào TP Hồ Chí Minh giúp việc nhà cho người ta để có tiền trang trải học phí cho 3 chị em. Học bổng này không chỉ giúp em giảm bớt gánh nặng mà còn truyền lửa cho em phấn đấu trở thành một điều dưỡng giỏi”.
Tân sinh viên Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ về gia cảnh trong phần giao lưu của chương trình - Ảnh: H.MY |
NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ
Học bổng “Tiếp sức đến trường” là một hoạt động xã hội nằm trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ. 11 năm qua, tờ báo có uy tín này đã làm cầu nối tiếp sức đến hàng ngàn tân sinh viên khó khăn. Khoản học bổng 5 triệu đồng/suất từ nguồn tài trợ của bạn đọc và các doanh nghiệp, đã tiếp sức đúng lúc cho các tân sinh viên nghèo khó bước đến giảng đường. Từ 27 suất học bổng đầu tiên năm 2003, đến năm 2014 có 1.850 suất học bổng trải dài khắp 63 tỉnh thành với tổng kinh phí 9,25 tỉ đồng. Đây là chương trình xã hội có giá trị cao, lan tỏa một thông điệp hết sức nhân văn: “Không để bất cứ một bạn trẻ nào, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này vì nghèo khó mà phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học của mình”.
Theo nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, để có các suất học bổng tiếp sức kịp thời các tân sinh viên có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn là một chuỗi thao thức, trăn trở, nỗ lực của ban tổ chức. Để rồi, nụ cười rạng rỡ của các tân sinh viên ngày nhận học bổng chính là phần thưởng lớn nhất mà những người làm chương trình nhận được. Ông Dũng bộc bạch: “Khi phát đi thông điệp “Tiếp sức đến trường”, chúng tôi liên tục nhận được những lá thư, những cuộc điện thoại xúc động, không chỉ của các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà của cả những tấm lòng hảo tâm muốn đóng góp cho chương trình. Học bổng 5 triệu đồng dành cho mỗi tân sinh viên như ai đó nói có thể chưa giúp các em quẳng đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng chắc chắn trước mắt sẽ giúp các em không phải tạm gác ước mơ học hành vì nhà quá nghèo. Đây là phần thưởng ghi nhận những nỗ lực, vượt khó của các tân sinh viên; đồng thời, sẽ là nguồn động viên, tiếp sức cho các em nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống”.
HÀ MY