Theo thống kê của Văn phòng ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, tính đến 17 giờ ngày 21/7, số người chết do cơn bão số 2 đã tăng thêm 16 người và tổng thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 125 tỉ đồng.
Cụ thể, số người chết do mưa, lũ, sạt lở đất lên đến 24 người, tăng 16 người so với báo cáo nhanh ngày 20/7. Trong số đó, Hà Giang có 7 người chết; Lai Châu có 6 người (tăng 5 người); Sơn La có 3 người; Điện Biên: 1 người; Lạng Sơn là 5 người; Cao Bằng có 1 người; Bắc Kạn là 1 người. Bên cạnh đó, 3 người chết do sét đánh ở Lào Cai và 2 người bị mất tích ở Sơn La và Lai Châu cũng đã tìm thấy thi thể. Ngoài ra, số người bị thương cũng đã tăng thêm 1 người so với báo cáo ngày 20/7, như vậy có 2 người bị thương; trong đó, Bắc Kạn có 1 người, Hà Giang 1 người.
Thiệt hại về tài sản, ước khoảng 125 tỉ đồng, nặng nhất là ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Cụ thể, Điện Biên bị thiệt hại khoảng 42 tỉ đồng, Sơn La ước thiệt hại khoảng 35 tỉ đồng, Lai Châu ước thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng…
Cập nhật thông tin mới nhất về tình hình thiệt hại chung, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, số nhà bị tốc mái là khoảng 491 nhà; nhà bị sập đổ, hư hại là 757 nhà; số nhà bị ngập lên đến 5.992 nhà.
Ước tính thiệt hại về nông nghiệp là khá lớn với khoảng 4.214 ha lúa và hoa màu bị ngập, đổ; khối lượng đất, đá sạt lở lên đến 291.886 m3, gây ách tắc nhiều tuyến tỉnh lộ ở một số địa phương miền núi phía Bắc…
Đáng chú ý, về sạt lở đất tại bản Bỉa, bản Cướn xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã xuất hiện vết nứt cả quả đồi phía đằng sau bản, trượt kéo dài từ bản Cướn đến hết bản Bủn, sụt lún vùi lấp toàn bộ 4 nhà dân và nguy cơ sạt trượt cả 2 bản, khiến 62 hộ phải tổ chức di chuyển khẩn cấp.
Trong khi đó, các sự cố hệ thống lưới điện phân phối tại các tỉnh, thành phố được khắc phục xong, còn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang, Lạng Sơn và một số trạm ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố.
Trước tình hình trên Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã cử đoàn công tác đến các khu vực bị sạt lở đất ở huyện Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang, phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả; thông báo tin lũ sông Chảy cho Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đề nghị triển khai các phương án chống lũ và tuần tra canh gác theo cấp báo động.
Các địa phương đã tổ chức các đoàn công tác xuống các khu vực bị thiệt hại để chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó, di dời; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên; khẩn trương khắc phục hậu quả đảm bảo sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Theo TTXVN/Vietnam+