Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Phú Yên đang đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng (thời gian rà soát trong 2 năm 2014-2015). Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Đinh Khắc Đô, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, Phó trưởng Ban rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh cho biết:
Đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà cho một đối tượng chính sách trong tỉnh - Ảnh: K.CHI |
- Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Đợt tổng rà soát lần này là lần đầu tiên các tổ chức đoàn thể, xã hội được huy động tham gia và phân công nhiệm vụ cụ thể. Vì đây là việc làm mới và khó, nên trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân được phân công tham gia từ tỉnh đến cơ sở phải nắm chắc các đối tượng, chính sách hiện hành liên quan nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
* Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc thực hiện các chính sách đối với người có công, lần này tiếp tục thực hiện tổng rà soát người có công trên địa bàn theo chỉ thị của Thủ tướng, ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của đợt tổng rà soát?
Trong đợt tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công, Phú Yên có 20.600 đối tượng trong diện rà soát. Trong đó, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ: 13.400 đối tượng; Mẹ Việt Nam anh hùng: 70; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: 3.356; bệnh binh: 1.070; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 915; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.580; cựu thanh niên xung phong kháng chiến: 150. |
- Từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện và tổ chức kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này là quá trình lâu dài, thường xuyên nên phải sửa đổi, bổ sung, bởi trong điều kiện chiến tranh ác liệt, việc cập nhật, theo dõi, lưu trữ hồ sơ người có công còn bất cập, thiếu sót. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công chưa được thường xuyên, quan tâm đúng mức; còn một số tồn đọng chưa xử lý kịp thời; việc tổ chức thực hiện chính sách vẫn còn sai sót, tiêu cực gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 và giao Bộ LĐ-TB-XH, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp tổng rà soát, tập trung vào 7 nhóm đối tượng là: liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong kháng chiến.
Cuộc tổng rà soát lần này nhằm xác định rõ các đối tượng người có công và thân nhân hưởng chính sách ưu đãi đảm bảo đúng, đủ, loại bỏ người hưởng sai chế độ, bổ sung người đủ điều kiện được hưởng chính sách. Qua đó đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công.
Đối tượng chính sách huyện Đông Hòa được các bác sĩ khám chữa bệnh - Ảnh: K.CHI |
* Những chỉ đạo của tỉnh và lộ trình để thực hiện thành công đợt tổng rà soát này là gì, thưa ông?
- UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban rà soát cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến các cơ quan là thành viên Ban rà soát và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nội dung các pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng; quy định về việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và các văn bản liên quan. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, quy trình công tác tổng rà soát. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ điều tra viên, cán bộ rà soát đến cấp xã (phường), cấp thôn, khu phố nhằm giúp họ nắm vững các chế độ ưu đãi hiện hành với người có công. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ràsoát đảm bảo chất lượng và đúng thời gian; phát hiện những sai sót, bất cập, tiêu cực, những vấn đề phát sinh để kịp thời khắc phục, kiến nghị hoặc có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, đội ngũ điều tra viên, cán bộ ở cấp huyện, thị xã, thành phố và xã (phường) đã được tập huấn; cấp phát tài liệu hướng dẫn, phiếu rà soát; các xã, phường, thị trấn thành lập Ban rà soát cấp mình. Hiện nay, các địa phương đã chọn 1 xã, phường, thị trấn để tiến hành rà soát thí điểm và sẽ nhân rộng. Cấp tỉnh chọn xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) thực hiện rà soát thí điểm. Tháng 10/2014 UBND cấp huyện, tỉnh công bố kết quả. Từ tháng 11/2014 đến tháng 7/2015, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Sở LĐ-TB-XH tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh; đồng thời báo cáo, kiến nghị về Trung ương.
* Vậy việc tổng rà soát tác động như thế nào đến đời sống người có công?
- Có thể nói lần rà soát này là quyết tâm, tâm huyết của Đảng, Nhànước, Mặt trận để đem lại quyền lợi chính đáng cho những người có công. Chắc chắn qua đây sẽ phát hiện được những người có công và gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước; tìm ra những đối tượng được hưởng sai chính sách để loại bỏ. Quan trọng hơn là phát hiện những bất cập từ việc thực hiện chính sách, trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để hoạch định chính sách hợp lý hơn. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn nhằm đảm bảo công bằng với những người có công vàsự ghi nhận, tri ân của Đảng, Nhà nước và toàn dân.
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)