Thứ Bảy, 23/11/2024 23:11 CH
Dự án di dời dân dọc Sông Ba (Sông Hinh):
Thiếu kinh phí, chậm triển khai
Thứ Năm, 07/11/2013 08:14 SA

Hiện còn hàng trăm hộ dân ở 10 thôn, buôn thuộc các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang (Sông Hinh) đang sinh sống dọc bờ sông Ba thường xuyên bị nước lũ uy hiếp nhưng chưa thể di dời đến nơi ở mới.

sat-lo131107.jpg

Ven bờ sông Ba, đoạn qua xã Đức Bình Tây bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: P.NAM

Để có hệ thống nước sạch cung cấp cho dân, huyện Sông Hinh đã xây dựng 2 phương án. Một là, kéo đường ống từ Nhà máy nước Hai Riêng về cung cấp; hai là, khai thác nguồn nước từ hồ thủy điện Sông Ba Hạ với kinh phí đầu tư khoảng 17 tỉ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 1 trạm bơm để tưới cho 80ha lúa và mía. Nhưng do không có kinh phí nên phải lồng ghép các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình 30a được Chính phủ phê duyệt.

Thực trạng sạt lở bờ sông Ba thuộc địa bàn các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang diễn ra nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, mùa mưa lũ năm 2009, khi Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 14.500m3/s, gây xâm thực mạnh bờ sông Ba, trực tiếp uy hiếp cuộc sống của 690 hộ gia đình với hơn 2.800 nhân khẩu thuộc các xã Đức Bình Tây, Đức Bình Đông và Sơn Giang. Riêng buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây bị cô lập hoàn toàn. Đến năm 2010, UBND huyện Sông Hinh tổ chức họp dân về việc di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt và được UBND tỉnh thống nhất cho phép triển khai các dự án di dân đến nơi ở mới an toàn với tổng kinh phí hơn 133,7 tỉ đồng. Trong đó buôn Mả Vôi và thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây được đầu tư hơn 72,1 tỉ đồng; thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông hơn 12,6 tỉ đồng; các thôn Hà Giang, Phước Giang, Lộc Giang, Tân Giang, Vĩnh Giang, Vĩnh Lương và Vạn Giang, xã Sơn Giang hơn 49 tỉ đồng.

Dự án khu di dân buôn Mả Vôi sẽ đưa 69 hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê đang sinh sống ven bờ sông Ba đến nơi ở mới. Khu di dân này được triển khai trên diện tích 7,6ha, cơ bản hoàn thành vào năm 2012 với những hạng mục gồm 3 giếng nước, 4km đường giao thông nội vùng, hệ thống điện, 3 phòng học, nhà sinh hoạt cộng đồng và phân 70 lô đất ở. Sau đó, huyện tiến hành di dời dân nhưng đến nay mới chỉ có 28 hộ chuyển đến nơi ở mới. Ông Y BLao, Bí thư Chi bộ buôn Mả Vôi cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu định cư mới, bà con ai cũng phấn khởi đồng tình. Tuy nhiên, bà con chưa thể di dời là do chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, hầu hết người dân muốn làm nhà sàn, nhưng theo họ nhà sàn nhỏ nhất cũng phải mất từ 70 đến 80 triệu đồng nên không đủ điều kiện để chuyển đi”. Theo chị Hờ Cóc, giáo viên lớp 1, Phân trường buôn Mả Vôi, Trường tiểu học Đức Bình Tây, đến nay gia đình chị vẫn chưa di dời đến nơi ở mới vì tại đây chỉ có vài giếng nước không đủ sinh hoạt chung lại không có cây cối. Để duy trì việc học cho 31 em học sinh lớp mẫu giáo và lớp 1, tôi và 2 giáo viên cùng một số phụ huynh phải chở các em đi về hàng ngày nên việc dạy và học rất vất vả. Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân chưa chuyển đến nơi ở mới là do thiếu nước sinh hoạt, kinh phí hỗ trợ quá thấp, người dân không đủ tiền xây nhà mới.

Hiện vẫn còn 41 hộ dân ở buôn Mả Vôi cũ sinh sống trong tình trạng vô cùng nguy hiểm vì nhà ở nằm cách bờ sông Ba chỉ vài chục mét. Trong khi đó, hàng năm, mỗi khi có mưa lớn cộng với thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, nước lũ xâm thực vào đất liền từ 3 đến 7m. Nước lũ không chỉ làm mất đất sản xuất, mà còn uy hiếp trực tiếp đến hàng chục nhà dân. Anh Rơ Chăm Quy ở buôn Mả Vôi cũ, có đất sản xuất vừa bị xâm thực sâu hơn 5m, dài gần 50m, nói: “Đất trồng sắn của gia đình tôi bị sạt lở cách đây khoảng 3 tháng. Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác cũng bị nước sông Ba xâm thực, mất dần đất sản xuất”. Để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, Đảng ủy, UBND xã Đức Bình Tây đề ra quyết tâm bằng mọi giá vận động, thuyết phục bà con đến nơi ở mới. Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây khẳng định: “Mặc dù bà con còn nhiều khó khăn nhưng giải pháp chúng tôi đưa ra là tiếp tục vận động các hộ còn lại vào buôn mới định cư. Hiện nay, bà con đang thu hoạch hoa màu để có thêm tiền làm lại nhà trong khu di dân buôn Mả Vôi. Địa phương đề ra mục tiêu, đến năm 2014 vận động di dời những hộ còn lại đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống”. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho biết: “Huyện đã xây dựng các dự án để di dời ít nhất 690 hộ dân đang sinh sống dọc vùng sạt lở sông Ba thuộc các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên mới chỉ đầu tư xây dựng khu di dân buôn Mả Vôi với dự toán kinh phí 35 tỉ đồng. Đến nay, khu di dân này cơ bản hoàn thành với kinh phí gần 20 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 12 tỉ đồng”. Theo ông Định, về lâu dài khu di dân buôn Mả Vôi sẽ được đầu tư thêm 2 hạng mục quan trọng là hệ thống thủy lợi tưới cho khoảng 80ha lúa, mía và cung cấp nước sạch cho bà con.

PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek